A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà phê Đắk Lắk: Từ vùng đất đỏ Bazan đến hành trình vươn tầm thế giới

Cây cà phê “bén duyên” với vùng đất đỏ Bazan từ những ngày đầu của thế kỷ 19. Trải qua hành trình đầy thăng trầm, cà phê Đắk Lắk đã có mặt hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành biểu tượng của chất lượng trên thị trường toàn cầu.

 

Simexco Daklak đã đặt ra mục tiêu liên kết chuỗi cung ứng và chuyển đổi số nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: SMC

Bạt ngàn cà phê

Đến với cao nguyên Đắk Lắk, nhiều du khách ngỡ ngàng trước những triền đồi cà phê xanh mát kéo dài vô tận. Ít ai biết, cây cà phê “bén duyên” với vùng đất này từ những năm đầu thế kỷ 19. Chính vùng đất đỏ bazan màu mỡ cùng khí hậu ôn hòa đã nuôi dưỡng những hạt cà phê thơm, mang hương vị đặc trưng.

Ông Y Phê Mlô (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, cây cà phê hiện hữu từ thời ông bà. Tuổi thơ ông lớn lên dưới gốc cà phê, quen với những đêm mùa khô thức trắng bơm nước tưới cây. Để rồi bao vất vả ấy bù đắp bằng những chùm cà phê căng tròn, đỏ mọng, nuôi sống cả gia đình.

Người dân Đắk Lắk vui mừng khi mùa màng bội thu. ảnh: SMC

Không riêng gia đình ông Y Phê Mlô, cây cà phê còn là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đây là loại cây chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh với diện tích hơn 212.000 héc-ta. Cây chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Chỉ tính riêng niên vụ cà phê 2023-2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 22,5%), chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước.

Từ vùng đất đỏ bazan xa xôi, hạt cà phê được xuất ngoại. Đến nay, cà phê ở vùng cao nguyên Đắk Lắk đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Cà phê Đắk Lắk không chỉ mang hương vị đặc trưng mà còn khẳng định vị thế vững chắc của mình trên bản đồ cà phê thế giới. Sự phát triển này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2020 - 2024, Đắk Lắk đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê, chiếm 18,1% tổng xuất khẩu cà phê của cả nước với kim ngạch gần 3,4 tỷ USD.

Cà phê Đắk Lắk không chỉ mang hương vị đặc trưng mà còn khẳng định vị thế vững chắc của mình trên bản đồ cà phê thế giới. Ảnh: SMC

 

Chiến lược xuất khẩu và mở rộng thị trường

Để duy trì đà tăng trưởng và khẳng định thương hiệu cà phê Đắk Lắk, các doanh nghiệp địa phương đang tích cực xúc tiến các chiến lược xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Nhiệm nhấn mạnh vai trò của cà phê Đắk Lắk trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này được thể hiện qua việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới đầy tiềm năng như Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.

Một trong những bước tiến đáng chú ý là sự phát triển của sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất và các công nghệ chế biến tiên tiến như sấy thăng hoa, ủ lạnh. Những sản phẩm này đã nhận được sự ưa chuộng từ thị trường, đặc biệt là giới trẻ, những người yêu thích sự sáng tạo và chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, bà Trần Thị Chang đã chia sẻ rằng Buôn Ma Thuột không chỉ là niềm tự hào của ngành cà phê trong nước mà còn là điểm đến quan trọng trên bản đồ cà phê thế giới. Với nhu cầu tiêu thụ cà phê ngày càng tăng ở Malaysia, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường.

Để cà phê Đắk Lắk có thể vươn xa hơn nữa, việc cải thiện chất lượng và duy trì sản lượng ổn định là rất quan trọng. Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đã đặt ra mục tiêu liên kết chuỗi cung ứng và chuyển đổi số nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Họ đã hoàn thiện chuỗi cung ứng bền vững, số hóa bản đồ 40.000 nông hộ trên diện tích 50.000 ha, chiếm 20% tổng diện tích cà phê của tỉnh.

Bên cạnh đó, Simexco Daklak đã ký kết hợp tác với Highlands Coffee, tạo ra một mối quan hệ chiến lược trong chuỗi giá trị cà phê Robusta. Đây là bước đi quan trọng trong việc thiết lập một mô hình hợp tác bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Theo Chủ tịch Simexco Daklak Lê Đức Huy, chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu dùng cuối cùng, chuỗi giá trị cà phê mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững.

Từ những lợi thế về điều kiện tự nhiên và chiến lược phát triển, Đắk Lắk được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cà phê, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.

Ông Smith Park – Chủ một doanh nghiệp Hàn Quốc chia sẻ, tiêu dùng cà phê ở Hàn Quốc những năm gần đây tăng rất nhanh. Xu hướng tiêu dùng cà phê cũng tăng nhanh, người tiêu dùng cà phê ở Hàn Quốc chủ yếu là giới trẻ, họ yêu thích sự sáng tạo, có sự thay đổi trong phong cách pha chế mới, hình thức mới nhưng phải đảm bảo chất lượng.

“Chúng tôi cũng luôn nổ lực để đảm bảo nguồn cung chất lượng để phục vụ thị trường. Lâu nay chúng tôi luôn lựa chọn cà phê Việt Nam. Về khoảng cách địa lý, đây là nguồn hàng gần với chúng tôi, hơn nữa cà phê Việt Nam ngày càng ổn định về chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người tiêu dùng Hàn Quốc chúng tôi”, ông Smith Park nhấn mạnh.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm