Điện gió Việt Nam hút nhà đầu tư ngoại
Hàng loạt các doanh nghiệp năng lượng sạch lớn trên thế giới thông báo những khoản đầu tư của mình vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam.
Mới đây, Reuters đưa tin công ty cung cấp năng lượng AES Corp của Hoa Kỳ có kế hoạch phát triển một trang trại điện gió lớn ngoài khơi ở Việt Nam, dự kiến tăng gấp đôi công suất điện gió của cả nước. Trang trại điện gió này ước tính có tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD với tổng công suất 4.000 MW, sẽ được xây dựng ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, hàng loạt các nhà đầu tư năng lượng lớn đến từ Na Uy, Đan Mạch, hay Vương Quốc Anh cũng tiến hành dự án đầu tư điện gió của mình tại Việt Nam.
Theo Vietnam Briefing, Việt Nam là một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động nhất tại Đông Nam Á với nhu cầu điện cao và tiềm năng lớn.
Thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, trong đó có điện gió, là một trong những thị trường năng động và tiềm năng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Không chỉ tập trung ở khu vực Trung và Nam Bộ, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm tới khu vực phía Bắc Việt Nam. Đáng chú ý, họ không chỉ đầu tư vào điện gió ngoài khơi, mà cả điện gió trên đất liền.
Cụ thể, NovaWind, Công ty năng lượng gió thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga Rosatom và Công ty CP Năng lượng An Xuân đã ký thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng trang trại điện gió 128 MW tại Sơn La.
Trong khi đó, nhà phát triển, cung cấp và phân phối năng lượng tái tạo toàn cầu, BayWa r.e., đã mở văn phòng đại diện tại Lạng Sơn. Tại đây, BayWa r.e dự định sẽ phát triển một dự án 240 MW để tận dụng công suất gió tại Việt Nam.
Đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng điện gió trên bờ của Việt Nam là 217 GW, trong khi điện gió ngoài khơi là 160 GW.
Không chỉ báo chí quốc tế, những nhà đầu tư cũng có những đánh giá tích cực về điện gió và năng lượng sạch ở Việt Nam.
"Việt Nam là một trong những thị trường điện gió thú vị nhất trên toàn cầu. Nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên gió ngoài khơi khổng lồ, diện tích nước biển nông lớn, phù hợp cho phát triển điện gió. Thêm vào đó, Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng tốt khi đã có kinh nghiệm vận chuyển dầu khí khai thác ngoài khơi sang các quốc gia khác", ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gan, Đan Mạch, đánh giá.
"Việt Nam có nguồn năng lượng gió tốt nhất tại châu Á. Trong 20 năm tới, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất tại châu Á do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Cùng với nguồn nhân lực chất lượng, tất cả các yếu tố này khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho đầu tư vào điện gió ngoài khơi", ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Quốc gia Công ty Orsted tại Việt Nam, nói.
"Các doanh nghiệp năng lượng hàng đầu của Na Uy đã bắt đầu đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Na Uy có kinh nghiệm trong lắp đặt điện gió ngoài khơi và có thể chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Trong khi đó, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, bởi Việt Nam có sẵn hệ thống vận chuyển năng lượng ngoài khơi", bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, cho biết.
Theo Ban thời sự