A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương lý giải về đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời

Theo báo cáo số 3787/BCT-ĐL của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đã đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời đến năm 2030 và lý giải xung quanh nội dung này.

 

Bộ Công Thương lý giải về đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời

Ảnh minh họa: TTXVN.
 

Theo Bộ Công Thương, với dự án chưa đưa vào vận hành, có 51 dự án/một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.564,67 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhưng có phần công suất chưa đi vào vận hành.

Cụ thể, có 5 dự án/một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đã thi công xong, chờ xác định giá bán điện. Có 19 dự án/một phần dự án với tổng công suất 1.975,8 MW đã có nhà đầu tư và đã triển khai đầu tư ở nhiều mức độ khác nhau. Có 27 dự án/một phần dự án với tổng công suất 4.136,25 MW chưa có nhà đầu tư, bao gồm: 26 dự án điện mặt trời và một phần còn lại của dự án Điện mặt trời Hồ Dầu Tiếng (công suất 1.050 MW); trong đó có một số dự án đang thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư, các địa phương cũng đang trong giai đoạn thẩm định để cấp chủ trương đầu tư; có những dự án chưa thực hiện.

Như vậy, đánh giá về tính pháp lý của các dự án, Bộ Công Thương cho hay, về mặt quy hoạch, các dự án đã được thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng các quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực.

Ngoài ra, về việc cấp chủ trương đầu tư, trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương tổ chức thẩm định để cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.

Về việc triển khai đầu tư xây dựng, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phù hợp với các quy định về đầu tư, xây dựng tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật liên quan khác. Đa số các dự án đã có nhà đầu tư đang trong quá trình triển khai, chưa gửi báo cáo hoàn thành xây dựng công trình và chưa có số liệu quyết toán về tổng mức đầu tư, do đó chưa đủ cơ sở để xác nhận chi phí các nhà đầu tư đã thực hiện và chưa thể đánh giá được mức độ thiệt hại khi không tiếp tục triển khai các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư cho giai đoạn đến năm 2030.

Bộ Công Thương cho biết, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư (bao gồm cả những dự án đã hoàn thành thi công) trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.428,42 MW.

Với các dự án điện mặt trời chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW có thể xem xét giãn sang giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống. Theo Bộ này, nếu đưa vào giai đoạn trước năm 2030 sẽ làm cho tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao (khoảng 26% tổng công suất toàn hệ thống), ảnh hưởng đến khả năng vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện và ảnh hưởng đến vận hành kinh tế các nguồn thủy điện, nhiệt điện và bao tiêu khí hiện có.

Trong thời gian đến năm 2030, nếu điều kiện kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia tốt hơn, có thêm các công cụ để điều hành, đảm bảo hấp thụ mức độ cao hơn điện mặt trời và vận hành an toàn, kinh tế các nguồn điện trong hệ thống, hoặc có nhiều nguồn điện chậm tiến độ, phải có giải pháp thay thế, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán, kiểm tra và báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh các dự án điện mặt trời bán điện cho lưới điện quốc gia, các dự án điện mặt trời (và điện gió) theo hình thức tự sản xuất, tự cung cấp và tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia; các dự án điện mặt trời (và điện gió) phục vụ sản xuất các loại hình năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh, hóa chất, ...) cần được ưu tiên phát triển, cho phép bổ sung quy hoạch và triển khai không giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào cơ cấu công suất đã có của quy hoạch.

Trước đề xuất này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có kết luận; trong đó yêu cầu Bộ Công Thương cần chia ra các nhóm dự án là đã hoàn thành đầu tư xây dựng; đã cấp đất và ký hợp đồng mua sắm thiết bị; đã có chủ trương đầu tư và đã cấp đất; đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thủ tục cấp đất.

Văn bản nêu rõ, "cần xác định sơ bộ chi phí, thiệt hại của từng nhóm dự án nêu trên nếu không tiếp tục triển khai; phân tích rõ sự phù hợp, không phù hợp của từng dự án theo các quy định của pháp luật".

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, tính đến nay, tổng số dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch và bổ sung quy hoạch là 175 dự án (15.301 MW); trong đó có 58 dự án (11.080 MW) do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch, tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam với 95%; có 117 dự án (4.221 MW) do Bộ Công Thương quyết định phê duyệt, tập trung tại miền Trung và miền Nam 95%...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm