Bản tin năng lượng số 42/2022
Gói tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 và mở rộng các ngành sản xuất chế tạo công nghệ cao.
ADB chủ trì gói tài trợ 135 triệu USD cho giao thông xanh tại Việt Nam
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã huy động một gói tài trợ trị giá 135 triệu USD cho Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) để sản xuất đội xe buýt vận tải công cộng chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Việt Nam và mạng lưới sạc xe điện toàn quốc đầu tiên.
Gói tài trợ kỳ hạn 7 năm bao gồm 20 triệu USD vốn vay do ADB tài trợ, các khoản vay song song trị giá 87 triệu USD được ADB xúc tác trên cương vị người chủ trì thu xếp vốn được ủy quyền và khoản tài trợ ưu đãi trị giá 28 triệu USD. Gói tài trợ khí hậu này được Sáng kiến trái phiếu khí hậu chứng nhận – đây là cơ chế gắn nhãn cho các trái phiếu, khoản vay và công cụ nợ khác góp phần khắc phục biến đổi khí hậu.
ADB chủ trì gói tài trợ trị giá 135 triệu USD để hỗ trợ vận chuyển bằng xe điện ở Việt Nam
Ngành giao thông vận tải của Việt Nam chiếm 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm. Việc phi carbon hóa ngành này thông qua những giải pháp như phương tiện chạy bằng điện sẽ tác động trực tiếp tới tham vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Ngoài ra, dự án bao gồm khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 950.000 USD từ ACFP và CTF, tập trung nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những tác động kinh tế, xã hội và môi trường của việc di chuyển bằng xe điện, nhằm giúp thúc đẩy việc thâm nhập thị trường của các phương tiện này. Hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ giúp nâng cao vai trò của phụ nữ học tập hoặc làm việc trong những ngành nghề liên quan tới khoa học, công nghệ và toán học.
Tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Vương quốc Anh và Đan Mạch
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz.
Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Anh hợp tác đầu tư, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất các thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam
Đại sứ Iain Frew bày tỏ sự thấu hiểu về những thách thức Việt Nam phải đối mặt để đạt được những mục tiêu phát triển trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Đại sứ cho biết, Vương quốc Anh sẵn lòng phối hợp với Việt Nam để giải quyết các thách thức đó.
Đồng thời, Đại sứ đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, khẳng định Vương quốc Anh sẵn sàng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, xây dựng hệ thống truyền tải điện, năng lượng tái tạo; đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đạt mục tiêu phát thải ròng về 0.
Tại buổi tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chúc mừng Đại sứ nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam và chúc Đại sứ đạt nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ mới.
Hai bên đã trao đổi về nhưng thành tựu hợp tác trong thời gian vừa qua, trong đó có Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, nay đã được triển khai đến giai đoạn 3 với rất nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh những hoạt động hợp tác, đầu tư tích cực của Đan Mạch tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới, năng lượng tái tạo…) nên có nhu cầu hợp tác lớn với Đan Mạch và mong thời gian tới các nhà đầu tư Đan Mạch sẽ tích cực hơn nữa trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam
Trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề chuyển đổi năng lượng là vấn đề lớn, đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Bộ trưởng mong muốn Đan Mạch phối hợp với Việt Nam để giải quyết các vấn đề này, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, hợp tác sản xuất thiết bị cho chuỗi cung ứng ngành năng lượng mới… Bộ trưởng hy vọng, hoạt động hợp tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu lớn trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra các thị trường đầy tiềm năng trong khu vực.
Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Quyết định số 1947/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh, tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú.
Dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh có 4 đơn vị doanh nghiệp thực hiện gồm Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2, thành phố Hồ Chí Minh; Công ty CP Năng lượng HCG Trà Vinh, Trà Vinh; Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận; Công ty CP Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh có quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 11 ha và 0,6 ha mặt nước. Nhà máy điện sinh khối sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng lò hơi đốt ghi xích với công suất thiết kế của nhà máy là 25MW.
Ảnh minh họa
Tổng vốn đầu tư Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh cùng một số công trình phụ trợ khác là trên 1.066 tỷ đồng, thời gian thực hiện 3 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm.
Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng từ quý II/2023 và thời gian vận hành thương mại nguồn năng lượng tái tạo vào quý I/2025.
Ngân Hà