Vì sao nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình lĩnh án 4 năm 6 tháng tù?
Ngày 22/6, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình và 7 bị cáo.
Các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Đồng (SN 1973), nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình; Đỗ Hữu Tiệp (SN 1978), nguyên Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình; Trần Mạnh Cường (SN 1982), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư PTC; Nguyễn Xuân Thiện (SN 1988), Giám đốc Công ty CP đầu tư P&T, Giám đốc Công ty CP PTC Việt Nam; Đặng Việt Cường (SN 1984), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư P&T; Nguyễn Việt Cường (SN 1982), Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư và phát triển bưu điện Hà Nội; Đào Tiến Dũng (SN 1985), nguyên nhân viên Công ty TNHH kiểm toán Thăng Long T.D.K, cộng tác viên của Công ty TNHH kiểm định giá và tư vấn tài chính Việt Nam, nay là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH dịch vụ thuế và kiểm toán Hà Nội; Nghiêm Xuân Dũng (SN 1978), Giám đốc Công ty TNHH kiểm định giá và tư vấn tài chính Việt Nam (FACOM).
Bị cáo Nguyễn Đồng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN |
Theo cáo trạng, khi triển khai, thực hiện “Dự án xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến" của tỉnh ủy Hòa Bình, các bị cáo đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn và đồng phạm giúp sức trong việc thông đồng nâng giá thiết bị thuộc dự án, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 6,2 tỉ đồng.
Theo đó, bị can Đỗ Hữu Tiệp là người được giao nhiệm vụ tham mưu triển khai, thực hiện Dự án, vì vụ lợi nên bị can đã nảy sinh ý định “nâng giá” để chiếm hưởng giá trị chênh lệch từ gói thầu “Mua sắm, lắp đặt thiết bị đào tạo, chuyển giao công nghệ”.
Bị can Đỗ Hữu Tiệp đã bàn bạc, thông đồng với các bị can Trần Mạnh Cường, Nguyễn Xuân Thiện và Đặng Việt Cường về việc lựa chọn Công ty P&T trúng thầu và thực hiện việc mua bán lòng vòng nhằm “nâng giá” các thiết bị cung cấp cho Văn phòng tỉnh ủy Hòa Bình.
Sau đó, bị can Tiệp đã cung cấp giá dự toán các thiết bị để Công ty HADIC hợp thức hồ sơ, thủ tục đấu thầu gói “Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu”. Cung cấp danh mục thiết bị, bảng dự toán và báo giá cho Công ty FACOM thẩm định giá.
Đồng thời chỉ đạo, bố trí để Công ty P&T có báo giá thấp nhất trong 3 báo giá làm căn cứ xác định giá trị gói thầu và yêu cầu Công ty P&T bố trí “quân xanh” tham gia dự thầu, không đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Trong vụ án này, Tiệp có vai trò là người chủ mưu, khởi xướng, chủ động đề xuất việc thực hiện tội phạm.
Đối với bị can Nguyễn Đồng, với chức vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, đại diện chủ đầu tư, là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Thế nhưng, vì động cơ vụ lợi nên khi Đỗ Hữu Tiệp đề xuất, bị can Đồng đã đồng ý cho công ty có mối quan hệ với bị can Đỗ Hữu Tiệp được nhận thực hiện Dự án. Đồng thời, giao riêng bị can Đỗ Hữu Tiệp tham mưu các bước kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng. Từ đó, bị can Đỗ Hữu Tiệp bàn bạc, thông đồng, nâng giá thiết bị, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Quá trình điều tra, bị can không thừa nhận được hưởng lợi 2,3 tỉ đồng tiền % chênh lệch từ Dự án như lời khai của Đỗ Hữu Tiệp. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung tin nhắn giữa bị can Nguyễn Đồng và bị can Đỗ Hữu Tiệp, cùng các tài liệu chứng cứ khác, xác định bị can Nguyễn Đồng được hưởng lợi số tiền 1 tỉ đồng. Đối với số tiền còn lại không đủ căn cứ xác định bị can Nguyễn Đồng được hưởng lợi.
Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Căn cứ tính chất, vai trò, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo và xét toàn diện nội dung vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên án các bị cáo Đỗ Hữu Tiệp mức án 5 năm tù giam; Nguyễn Đồng 4 năm 6 tháng tù giam; Trần Mạnh Cường, Nguyễn Xuân Thiện cùng bị mức án 3 năm 6 tháng tù giam; Đặng Việt Cường, Nguyễn Việt Cường, Đào Tiến Dũng, Nghiêm Xuân Dũng cùng bị mức án 3 năm tù giam.