A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Công nhân kiến nghị về nhà ở và tuổi nghỉ hưu

Hướng tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiều kiến nghị từ cấp công đoàn cơ sở đã được ghi nhận, trong đó có vấn đề về nhà ở cho công nhân và tuổi nghỉ hưu. Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh chủ đề trên.

Xin ông cho biết những hoạt động chăm lo cho người lao động của các cấp công đoàn trong thời gian qua, thưa ông?

Trong thời gian qua, điểm nổi bật trong hoạt động của các cấp công đoàn là công tác chăm lo đời sống người lao động hướng về cơ sở, trong đó đặc biệt là vai trò công đoàn trong thương lượng quy chế, nội quy tại cơ sở có lợi cho người lao động. Các hoạt động này có sự hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong những tháng đầu năm, lao động bị thiếu việc làm, công đoàn đã kịp thời hỗ trợ người lao động từ nguồn lực sẵn có từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với tổng mức 30 tỷ đồng.

Tình hình quan hệ lao động tại Hà Nội ổn định khi chưa ghi nhận một cuộc đình công nào trong 9 tháng đầu năm 2023. Song công đoàn thành phố thống kê 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Điều này cho thấy người lao động cũng đã chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp.

Được biết, tại một số hội nghị lấy ý kiến đóng góp về Luật Bảo hiểm xã hội do công đoàn Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề tuổi nghỉ hưu. Vậy ông có thể cho biết nội dung cụ thể?

Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã ghi nhận góp ý về xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi qua lấy ý kiến lao động, doanh nghiệp; tiếp xúc cử tri cùng đại biểu Quốc hội thành phố. Sau thời gian thực thi, một số chính sách về luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trong đó, nhiều đại diện cho công nhân kiến nghị về tuổi nghỉ hưu. Đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Lúc này sức khỏe, độ nhanh nhẹn của người lao động đều giảm, rất khó để đáp ứng yêu cầu.

Thêm nữa, ngay cả một số doanh nghiệp cũng mong muốn cho người lao động được nghỉ hưu sớm, bởi những lao động lớn tuổi khi làm việc trong các dây chuyền có thể không theo kịp tiến độ, năng suất không được đáp ứng, trong khi đó, thu nhập, tiền lương của họ thường cao hơn nhóm lao động trẻ.

Lao động lớn tuổi cũng thường là đối tượng mà các doanh nghiệp “nhắm” đến đầu tiên khi quyết định cắt giảm lao động, thậm chí có thể coi đây là “luật bất thành văn”. Thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp muốn sa thải những lao động trên 35 tuổi để tuyển dụng những lao động trẻ vào dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, quy định về cắt giảm lao động hiện nay khá đơn giản, chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể cắt giảm hàng nghìn công nhân và nhóm đầu tiên họ nhắm đến luôn là lao động lớn tuổi.

Do đó, công nhân lao động không thể chờ tới 58-60 tuổi để được hưởng lương hưu. Sau một năm nghỉ việc, không còn thu nhập, họ tính ngay tới rút BHXH một lần.

Nhiều lao động rút BHXH một lần bắt nguồn từ việc tăng tuổi nghỉ hưu, khó lòng chờ nên điều kiện hưu trí cần sửa đổi phù hợp với từng nhóm ngành ngành. Để thu hút người tham gia BHXH, các chính sách cần linh hoạt, tăng quyền lợi thay vì dùng biện pháp cứng. Thực tế, công nhân phía Nam đã ngừng việc tập thể để phản đối Điều 60 hạn chế rút BHXH một lần năm 2015.

PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm