Hồ Quỳnh Hương xúc động khi góp mặt trong chương trình "Thiêng liêng biển đảo Việt Nam"
Tối 12.3.2024, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật “Thiêng liêng biển đảo Việt Nam”. Đây là sự kiện thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PVPOWER).
Mang đến chương trình, ca sỹ Hồ Quỳnh Hương góp giọng với hai tiết mục “Tự nguyện” sáng tác Trương Quốc Khánh và “Biển hát chiều nay” sáng tác Hồng Đăng.
Những giai điệu trong sáng, lãng mạn nhưng vẫn giàu tính chiến đấu thôi thúc thanh niên Việt Nam của ca khúc “Tự nguyện” sáng tác Trương Quốc Khánh do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương thể hiện đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả tại chương trình.
Lời bài hát dễ hát, dễ thuộc, được lan truyền sâu rộng và nhớ lâu. Đó là tiếng lòng của thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, là bản hùng ca tự nguyện dấn thân. Làm thanh niên, con người của thời đại mới, của đất nước đã độc lập, chúng ta vẫn không khỏi day dứt theo lời bài hát: Làm gì cho quê hương? Khi giai điệu bài hát này cất lên, mỗi khán giả trong chương trình như được cất lên tiếng thôi thúc của con tim, nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy chiến đấu cho quê hương, cho đất nước thân yêu của mình bằng những hành động cụ thể, sẵn sàng hiến dâng cả máu cho tổ quốc: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”.
Với chất giọng sáng và vang, cùng sự da diết của tiếng kèn saxophone, Hồ Quỳnh Hương và nghệ sỹ saxophone Hoàng Việt tiếp tục mang đến cho khán giả của “Thiêng liêng biển đảo Việt Nam” tiết mục “Biển hát chiều nay”, một bài hát không mới nhưng rất hay về tình yêu biển. "Biển hát chiều nay” gợi lên tinh thần lạc quan, tình yêu tha thiết của mỗi người Việt Nam với biển đảo quê hương. Phần đầu của bài hát được mô tả như "lời nói dịu dàng ẩn chứa khát vọng". Phần hai, âm nhạc được chuyển sang một âm hình mới với những nhóm tiết tấu đơn chấm dôi móc kép, móc đơn tạo nên một sự hình tượng âm nhạc "ấn tượng". Phần cuối bài hát được kết lại trọn vẹn bằng thủ pháp nhắc lại câu cuối của phần hai. Hình tượng nét nhạc kết được mô tả là "lời kết trong yên bình, dịu êm".
“Biển hát chiều nay” còn được xem là một biểu tượng để khẳng định, để tôn vinh Việt Nam, ca khúc này được các nhà nghiên cứu phê bình xem như một tác phẩm nghệ thuật "đạt tới những giá trị về tư tưởng”, là ca khúc mang triết lý nhân loại, gửi thông điệp rằng "nên quên đau thương đi để tiến tới tương lai".
“Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương
Biển lại hát tình ca
Biển kể chuyện quê hương…”
Biển đảo là trái tim Việt Nam, là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam. Trái tim ấy đã tạo thành sức mạnh nội sinh của cả dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc. Muôn triệu trái tim hòa chung nhịp đập, đã hun đúc nên một ý chí Việt Nam, tầm vóc Việt Nam.
Tình yêu Biển, đảo không còn chỉ là lời kêu gọi khi Tổ quốc cần, mà phải xuất phát từ những hành động thôi thúc trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Ngọn lửa của ý thức, ý chí và tinh thần biển đảo nhen lên trong tim mỗi con người lớn lên cùng với những hoài bão và trách nhiệm lớn lao sẽ là cội nguồn của những hành động thiết thực và sáng tạo để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các tiết mục đặc sắc khác trong chương trình do nhiều nghệ sỹ tham gia biểu diễn:
Nơi đảo xa - Sáng tác: Thế Song, Biểu diễn: NSUT Hoàng Tùng, violin Hải Ngọc
Bến cảng quê hương tôi - Sáng tác: Hồ Bắc, biểu diễn: Xuân Hảo, Huyền Trang
Tổ quốc nhìn từ biển - Thơ: Nguyễn Việt Chiến - Nhạc: Quỳnh Hợp, biểu diễn: Đinh Quang Đạt, Xuân Sơn, Quang Vinh
Cùng nhau ta thắp sáng - Sáng tác: Thanh Bùi
Biểu diễn: Hoàng Hồng Ngọc, CLB Ngôi Sao Nhỏ