A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội để lĩnh vực Bưu chính chuyển mình thành một hệ sinh thái số toàn diện

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Bưu chính Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để chuyển mình từ ngành dịch vụ truyền thống thành một hệ sinh thái số toàn diện.

Với mạng lưới phủ sóng rộng khắp đến tận cấp xã và khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra mỗi ngày từ hàng triệu giao dịch, việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dữ liệu này sẽ là chìa khóa then chốt để ngành Bưu chính nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những giá trị mới trong kỷ nguyên số.

* Nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa vận hành

Ngành Bưu chính Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với doanh thu tăng liên tục qua các năm, từ 28.300 tỷ đồng năm 2019 lên gần 70.000 tỷ đồng năm 2024. Đặc biệt, cơ cấu doanh thu đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang dịch vụ gói, kiện với tỷ trọng tăng từ 76% lên 90% tổng doanh thu. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã và đang tạo ra một khối lượng dữ liệu giao dịch khổng lồ, đòi hỏi ngành Bưu chính phải có những giải pháp khai thác dữ liệu hiệu quả để nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa vận hành.

Với mạng lưới rộng khắp, uy tín thương hiệu đã được khẳng định, ngành Bưu chính có lợi thế lớn trong việc thu thập, khai thác dữ liệu. Hệ thống bưu cục trải rộng đến tận cấp xã tạo nên một mạng lưới cảm biến tự nhiên, có khả năng thu thập dữ liệu địa lý - không gian quý giá. Đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, quy trình vận hành đã được chuẩn hóa cũng là nền tảng quan trọng để triển khai các giải pháp công nghệ mới.

Việc khai thác dữ liệu trong ngành Bưu chính Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ logistics thông minh. Nhằm tối ưu hóa mạng lưới, các doanh nghiệp bưu chính đang áp dụng phân tích dữ liệu lớn để quy hoạch lại hệ thống điểm phục vụ và tuyến thu gom, phát. Các thuật toán machine learning được sử dụng để phân tích mẫu hình nhu cầu theo khu vực và thời gian, từ đó tối ưu hóa việc bố trí nguồn lực, quy hoạch tuyến đường.

Đặc biệt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng các mô hình dự báo nhu cầu theo thời gian thực đã giúp giảm đáng kể thời gian giao hàng và chi phí vận hành. Trong quản lý kho bãi, các hệ thống kho thông minh đang được triển khai với sự hỗ trợ của IoT và AI. Cảm biến IoT được lắp đặt để theo dõi điều kiện môi trường và trạng thái hàng hóa, trong khi các thuật toán AI giúp tối ưu hóa việc sắp xếp, phân bổ không gian bên trong kho. Hệ thống tự động cảnh báo khi phát hiện các điều kiện bất thường hoặc khi hàng tồn kho đạt ngưỡng cần bổ sung. Dữ liệu từ hoạt động giao nhận được khai thác để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các công ty bưu chính đang xây dựng hệ thống phân tích hành vi khách hàng để cá nhân hóa dịch vụ, dự đoán nhu cầu. Chatbot tích hợp AI được triển khai để hỗ trợ khách hàng 24/7, trong khi các thuật toán học máy giúp tối ưu hóa thời gian giao hàng dựa trên thói quen của người nhận. Về quản lý rủi ro, các mô hình phân tích dự đoán được sử dụng để nhận diện sớm các nguy cơ thất lạc hoặc hư hỏng hàng hóa. Hệ thống tự động phân tích các yếu tố rủi ro như điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông và lịch sử giao dịch để đưa ra các cảnh báo sớm và đề xuất biện pháp phòng ngừa.

Một ứng dụng đặc biệt quan trọng là việc sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa giá cước. Các thuật toán pricing động được phát triển để điều chỉnh giá dịch vụ theo thời gian thực, dựa trên các yếu tố như nhu cầu thị trường, chi phí vận hành và mức độ cạnh tranh. Điều này giúp các doanh nghiệp bưu chính tối đa hóa doanh thu trong khi vẫn duy trì được tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, ngành Bưu chính đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Hệ thống công nghệ thông tin hiện tại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý dữ liệu lớn. Nhiều quy trình vẫn còn phụ thuộc vào thao tác thủ công, dẫn đến tỷ lệ lỗi cao, khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Dữ liệu được lưu trữ phân tán trên nhiều hệ thống khác nhau, thiếu tính kết nối và khó khai thác giá trị. Việc xây dựng chiến lược khai thác dữ liệu toàn diện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết - đây không chỉ là xu hướng tất yếu, còn là động lực quan trọng để ngành Bưu chính nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa vận hành, tạo ra những giá trị mới cho khách hàng trong kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, ngành Bưu chính không chỉ cần thay đổi mà còn phải mở rộng hệ sinh thái, không gian hoạt động để trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế số, thương mại điện tử và Chính phủ số; cùng đó tích cực thúc đẩy Chính phủ số, trở thành đối tác đáng tin cậy của các cơ quan Chính phủ nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn.

* Xây dựng mô hình bưu chính chuyển phát số thế hệ mới

Cuộc cách mạng số đang định hình lại toàn bộ bức tranh ngành Bưu chính Việt Nam, với dữ liệu trở thành động lực then chốt cho sự chuyển đổi này. Ngành Bưu chính với vai trò là hạ tầng quan trọng của logistics, thương mại điện tử, kinh tế số, đang đứng trước cơ hội lịch sử để khẳng định vị thế. Sự chuyển đổi từ một ngành dịch vụ truyền thống sang một hệ sinh thái số toàn diện không chỉ là xu hướng tất yếu, còn là điều kiện sống còn để duy trì khả năng cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận định: Bưu chính cần tham gia sâu vào phát triển xã hội số, đảm bảo dòng chảy vật chất được duy trì bên cạnh dòng chảy dữ liệu, đáp ứng các nhu cầu của xã hội hiện đại. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp bưu chính và cơ quan xây dựng chính sách cần phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cấp môi trường pháp lý, khuyến khích đổi mới, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Theo một số chuyên gia, để đáp ứng những thách thức của kỷ nguyên số, tận dụng tối đa tiềm năng của dữ liệu lớn, ngành Bưu chính cần xây dựng một mô hình vận hành mới với kiến trúc đa tầng tích hợp, trong đó, dữ liệu đóng vai trò là trụ cột trung tâm. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng số đang thúc đẩy một bước chuyển đổi căn bản trong cách thức định danh, quản lý địa điểm trong ngành. Thay vì duy trì hệ thống mã bưu chính tĩnh truyền thống với các mã số cố định, bưu chính cần chuyển sang mô hình định danh động, thông minh, có khả năng thích ứng với những thay đổi liên tục của không gian đô thị và nhu cầu vận chuyển.

Triển vọng của ngành Bưu chính thời gian tới rất rõ ràng, với dự báo tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ logistics thông minh. Việc khai thác hiệu quả dữ liệu lớn sẽ mở ra những cơ hội mới trong việc tối ưu hóa vận hành, phát triển dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, khả năng tích hợp với các nền tảng số khác trong nền kinh tế sẽ giúp ngành Bưu chính trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị số.

Về hàm ý chính sách, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ, các cơ quản lý Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý toàn diện để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Bưu chính; có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư vào hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hợp tác công - tư trong việc xây dựng, vận hành các nền tảng số dùng chung cho ngành.

Về mặt kỹ thuật, các doanh nghiệp bưu chính cần tập trung vào một số ưu tiên chính: xây dựng kiến trúc công nghệ mở, linh hoạt, có khả năng tích hợp với các hệ thống khác và dễ dàng mở rộng theo nhu cầu; đầu tư vào các công nghệ lõi như AI/ML, IoT, Blockchain để nâng cao khả năng xử lý, khai thác dữ liệu; phát triển các nền tảng phân tích dữ liệu tiên tiến để hỗ trợ ra quyết định, tối ưu hóa vận hành.

Đặc biệt là việc xây dựng văn hóa dữ liệu trong tổ chức. Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các quy trình, chính sách để đảm bảo việc thu thập, quản lý, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả, có trách nhiệm; có chiến lược quản lý thay đổi hiệu quả để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, được đón nhận tích cực từ mọi cấp trong tổ chức. Với vai trò là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, ngành Bưu chính cần tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ số tiên tiến, xây dựng các mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu. Điều này không chỉ giúp ngành nâng cao năng lực cạnh tranh, còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, đưa đất nước bắt kịp xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước./.


P.H


Tác giả: Trần Phúc Hằng
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm