A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Bỏ hoang, hư hỏng, hoạt động không hiệu quả là thực trạng của nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Phải làm sao khai thác và sử dụng hiệu quả các công trình này vẫn đang là câu hỏi được ngành Nông nghiệp địa phương tìm cách giải quyết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, toàn tỉnh hiện chỉ còn 29 công trình hoạt động bền vững, 20 công trình hoạt động tương đối bền vững, 27 công trình hoạt động kém bền vững, 68 công trình không hoạt động. Hầu hết các công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134, 135 và chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện miền núi. Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư từ lâu, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm và nước tự chảy quy mô nhỏ, công nghệ lọc cũ, lạc hậu, đã xuống cấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư manh mún, không đồng bộ khiến nhiều công trình hoạt động không hiệu quả, thiếu bền vững. Không ít công trình bị hư hỏng do thiên tai, mưa lũ, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa nên đã ngừng hoạt động...

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, trước thực trạng này ngành sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống công trình cấp nước; tham mưu với UBND tỉnh giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ và các doanh nghiệp có năng lực quản lý khai thác, cải tạo, nâng cấp thường xuyên các công trình cấp nước liên xã.

Đối với các công trình do UBND xã quản lý, ngành sẽ thành lập tổ chức có đủ năng lực để quản lý khai thác đưa vào sử dụng. Đồng thời, Sở sẽ thực hiện đồng loạt các giải pháp đảm bảo tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo đúng kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030.

Bà Nguyễn Thị Bạch Kim, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý vận hành các công trình cấp nước kiểm tra hiện trạng các công trình. Chi cục cũng rà soát, đánh giá, phân loại công trình, lấy đây làm cơ sở xây dựng phương án giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung lập kế hoạch cấp nước an toàn chống thất thoát, thất thu nước sạch...; yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn để kịp thời có phương án nâng cấp, sửa chữa phù hợp.

Cùng với việc đưa các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn vào sử dụng hiệu quả, Phú Thọ đang tích cực thu hút, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững. Tỉnh cũng ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt; sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý, vận hành công trình.

Nguồn lực huy động được sẽ được tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ô nhiễm nguồn nước.

Phú Thọ phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên trên 99% vào năm 2028. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; đến năm 2045, có trên 80% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 98,71% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 144 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đưa vào sử dụng, gồm 98 công trình cấp nước tự chảy, 46 công trình cấp nước bằng bơm dẫn. Trong đó, doanh nghiệp quản lý 21 công trình, UBND xã và hợp tác xã quản lý 28 công trình; cộng đồng quản lý 95 công trình./.

Đại Lâm


Tác giả: Lâm Đào An
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm