A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng hành động vì môi trường: Phủ xanh những vùng đất

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững được xác định là giải pháp căn bản để Việt Nam làm chậm quá trình suy thoái đất cũng như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Ngày Môi trường thế giới (5/6) và tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025”, màu xanh đã được phủ trên nhiều vùng đất của cả nước.

Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Ngân hàng MUFG tổ chức Chương trình “MUFG Green day” trồng 200 cây phong linh tại Vườn Quốc gia Ba Vì.

Mục tiêu của “MUFG Green day” là nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy vai trò của rừng và cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, Huyện đoàn Vân Hồ, UBND xã Vân Hồ (tỉnh Sơn La) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên cùng phối hợp phát động Chương trình “Rừng Xanh lên” năm 2024. Chương trình trồng phục hồi 25 ha rừng nối giữa Hòa Bình - Sơn La, hướng tới hoàn thành mục tiêu dài hạn phục hồi 500ha rừng trên hành lang núi đá nối liền 2 tỉnh.

Khu vực giáp ranh giữa hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) có nhiều cánh rừng già trên núi đá cùng hệ động, thực vật đa dạng như tùng, bách, thông, phong lan quý hiếm; đặc biệt là loài Vượn đen má trắng – loài cực kỳ nguy cấp nằm trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế và văn hóa độc đáo gắn liền với rừng.

Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, áp lực từ các hoạt động kinh tế đã khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tác động, phân mảnh và suy thoái. Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, phục hồi rừng ở khu vực này không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái, đa dạng sinh học mà còn góp phần hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế thông qua du lịch và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, UBND huyện Bạch Long Vĩ trồng 150 cây dừa bảo vệ môi trường đảo Bạch Long Vĩ.

Gần 200 cây dầu trên 6.000m2 thuộc khuôn viên hồ chứa nước Đất Dốc, huyện Côn Đảo được trồng bởi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Từ nay đến hết năm 2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ trồng thêm hơn 400 cây điệp anh đào nhằm phủ xanh khuôn viên hồ chứa nước Đất Dốc, chống xói mòn. Theo ông Nguyễn Khắc Pho - Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, nhờ làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, độ che phủ rừng tại Vườn Quốc gia Côn Đảo luôn đạt tỷ lệ 80% trở lên.

Bên cạnh việc trồng rừng, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức trồng cây trong các khu vực đô thị, xây dựng thành phố xanh – sạch – văn minh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tỉnh Lào Cai trồng 200 cây hoa ban tại khu đô thị mới của huyện Bảo Yên.

Thành phố Cần Thơ trồng 10.000 cây phi lao trên các tuyến đường thanh niên tự quản nhằm phục hồi đất, chống hạn hán. Số cây phi lao này do Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí tặng thành phố Cần Thơ thuộc chương trình “Trồng 3 triệu cây xanh” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2022-2025.

Thành phố Buôn Ma Thuột được đánh giá là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước với 17,2 m2/người, nội thành là 8,3 m2/người. Hệ thống cây xanh đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, trở thành điểm nhấn đô thị, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường 2024, tỉnh Đắk Lắk trồng 170 cây bằng lăng với đường kính gốc 12 - 15cm, chiều cao khoảng 3-3,5m tại giải phân cách giữa đường Đông Tây (đoạn nút giao đường Trần Quý Cáp và Đông Tây), thuộc phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.

Với mục tiêu xây dựng “Bến Tre xanh”, tỉnh Bến Tre trồng 700 cây me trên tuyến đường dài khoảng 2,9 km từ Quốc lộ 57 vào trung tâm xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam.

Bằng nhiều cách làm cụ thể, linh hoạt, sáng tạo gắn với đặc thù địa phương, Tháng hàng động vì môi trường 2024 được triển khai sâu rộng trong cả nước. Phát biểu tại Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội là những hạt nhân tích cực, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của các vùng, các địa phương phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xây dựng tương lai “hài hòa với thiên nhiên”./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm