A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam, dự kiến hoàn thành và gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào cuối năm 2024.

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu do 155 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Lãnh đạo đại diện Chính phủ ký vào tháng 6/1992 và có hiệu lực thi hành từ ngày 21/3/1994. Mục tiêu của Công ước là ổn định nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Công ước là văn bản pháp lý quan trọng để các nước tham gia cùng triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Thời gian qua, Việt Nam đã 3 lần gửi Thông báo quốc gia tới Ban Thư ký Công ước, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Chia sẻ về nội dung dự kiến đưa vào Thông báo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, có các hành động cụ thể tham gia nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thực hiện trách nhiệm của một bên tham gia Công ước, Việt Nam đã xây dựng và gửi Ban Thư ký Công ước 3 Thông báo quốc gia, 3 Báo cáo cập nhật hai năm một lần.

Thông báo quốc gia sẽ đưa ra bối cảnh của Việt Nam; kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho 5 lĩnh vực phát thải chính gồm: năng lượng; các quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; chất thải.

Thông báo quốc gia cũng sẽ thông tin về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đặc biệt là nỗ lực của Việt Nam trong việc tích hợp, lồng ghép biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với nghiên cứu và các hoạt động quan sát biến đổi khí hậu, những bước tiến về giáo dục, đào tạo, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; chia sẻ thông tin và tham gia mạng lưới về biến đổi khí hậu; giới và biến đổi khí hậu cũng sẽ được đưa vào Thông báo quốc gia. Cuối cùng là những khó khăn, thiếu hụt và nhu cầu hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thể hiện qua loạt chính sách giảm phát thải khí nhà kính (quốc gia, lĩnh vực, địa phương). Các hoạt động giảm nhẹ cụ thể triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định, kết quả thực hiện các hoạt động giảm nhẹ đã báo cáo trước đó và cập nhật hoạt động mới. Việt Nam cũng đã triển khai các hoạt động đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, tham gia nhiều cơ chế giảm phát thải như: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng, Chứng chỉ năng lượng tái tạo, Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra (VCS)...

Thời gian qua, các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện theo một số hình thức chính như tham gia các dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp vùng hoặc quốc gia. Nhiều địa phương tiếp tục thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như thí điểm thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ,  xây dựng hệ thống chiếu sáng bằng pin năng lượng mặt trời, thay thế hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED tại các doanh nghiệp, cơ quan; tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát hành Sổ tay phổ biến kiến thức về quản lý tiết kiệm năng lượng, hiệu quả trong doanh nghiệp trên địa bàn địa phương...

Nhiều địa phương tăng cường các hoạt động đầu tư cho các dự án công và tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính (như xử lý rác sinh hoạt, nước thải bằng công nghệ tiên tiến), bảo vệ và phát triển rừng kết hợp thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng và các dự án phát triển thành phố carbon  thấp... Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các địa phương cũng đã tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho các doanh nghiệp.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định cụ thể hóa mục tiêu cam kết của Việt Nam trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm mục tiêu cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030 được chia theo 2 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030. Các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở; trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước…/.

Nguyễn Hồng Điệp


Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Điệp
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm