Trung Quốc và một thế hệ 'cày cuốc' bao nhiêu cũng không mua nổi nhà
Những năm 1990, nhóm người trẻ Trung Quốc ở thành thị, có trình độ học vấn, thường chỉ thuê nhà trong thời gian ngắn sau đó họ có đủ tiền tiết kiệm để mua nhà. Còn hiện tại, ngày càng nhiều người trẻ ở thành thị phải sống trong cảnh đi thuê nhà rất lâu.
Giá thuê nhà ở khắp Trung Quốc đang tăng. Năm 2021, giá thuê nhà tại 55 thành phố lớn tăng trung bình gần 10%. Tại 8 thành phố lớn nhất nước này, giá thuê nhà tăng gần 24,5% so với năm 2020. Thành ở phía tây nam tỉnh Thành Đô dẫn đầu mức tăng với 40%, nhưng người dân Bắc Kinh, Thượng Hải và trung tâm công nghệ phía đông Hàng Châu đều chứng kiến mức tăng hơn 20%.
3 thập kỷ trước, tác động của tình trạng này phần lớn gây áp lực cho lao động nhập cư đến từ các vùng nông thôn. Những năm 1990, nhóm người trẻ ở thành thị, có trình độ học vấn, thường chỉ thuê nhà trong thời gian ngắn sau đó họ có đủ tiền tiết kiệm để mua nhà.
Còn hiện tại, ngày càng nhiều người trẻ ở thành thị phải sống trong cảnh đi thuê nhà rất lâu. Trong cuộc khảo sát gần đây với cư dân tại 10 thành phố ở Trung Quốc, nhóm nghiên cứu của Sixth Tone nhận thấy người Trung Quốc ở độ tuổi 20-30 là nhóm đi thuê nhà nhiều nhất, chiếm gần 63% tổng số.
3/4 trong số đó là lao động nhập cư, một số đến từ nông thôn, nhưng nhiều người lại đến từ các thành phố khác. Trong số những người không phải là người địa phương, 61% có bằng đại học trở lên. Điều này có nghĩa là, rất nhiều người trong nhóm lao động nhập cư có trình độ đại học, làm công việc văn phòng phải đi thuê nhà.
Một yếu tố lý giải cho sự thay đổi này là bong bóng bất động sản của Trung Quốc, khiến ngay cả các nhân viên văn phòng lương ở mức khá cũng không thể sở hữu nhà ở các thành phố lớn. Khoảng 10 năm trước, giới trẻ nước này vẫn đủ khả năng mua nhà ở những nơi như Thâm Quyến hay Thượng Hải nhờ thế chấp, miễn là họ có sự trợ giúp của gia đình.
Ngày nay, một căn hộ 90m2 ở ngoại ô gần Thượng Hải có giá 7-8 triệu NDT, trong khi vào đầu những năm 2010 chỉ là 2 triệu NDT (300.000 USD). Do đó, nhiều người trẻ không thể mua nhà ở thành phố nơi họ sinh sống, dù có sự hỗ trợ của cha mẹ.
Theo đó, họ đã trở thành những người đi thuê nhà dài hạn. Điều này có thể tác động tiêu cực không chỉ đến tài chính mà còn hạnh phúc, nhận thức của họ về công bằng xã hội.
Trong nghiên cứu, nhóm của Sixth Tone nhận thấy, theo điều kiện thị trường cho thuê nhà và chính sách đăng ký hộ khẩu hiện tại, việc thanh niên Trung Quốc có sở hữu nhà hay không là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ hạnh phúc và nhận thức của họ về công bằng xã hội. Ví dụ, 77% người sở hữu nhà cho biết họ "hạnh phúc", cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với những người đi thuê mà không phải là người ở địa phương đó.
Nguyên nhân khiến việc sở hữu một ngôi nhà có tác động lớn đến hạnh phúc của mỗi người là giá thuê quá cao. Ngay cả trước khi tăng đột biến vào năm ngoái, nhóm người thuê có trình độ đại học phải chi gần 1/3 tổng thu nhập để thuê nhà. Dù thu nhập của họ trung bình cao hơn nhiều so với chủ nhà tại đó, nhưng số tiền họ bỏ ra để thuê nhà đã hạn chế khả năng đầu tư vào những việc như học hành của con cái hay niềm vui của bản thân.
Hơn nữa, nhận thức của người trẻ về bất công xã hội cũng bị ảnh hưởng. Các thành phố nhỏ hơn không nhấn mạnh tầm quan trọng của hộ khẩu trong những năm gần đây. Song, những trung tâm đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải thì đây là yếu tố quan trọng trong việc giúp họ tiếp cận các nguồn lực công như giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Ví dụ, trẻ em không có hộ khẩu tại địa phương đó sẽ khó đăng ký theo học ở các trường công và không thể tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học ở đó. Bởi vậy, dù có phải là chủ sở hữu nhà hay không, việc có hộ khẩu thường giúp họ nghĩ rằng xã hội công bằng hơn, trong khi những người không có hộ khẩu suy nghĩ tiêu cực hơn.
Đô thị hóa là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển trong tương lai của Trung Quốc. Song, giá nhà ở tiếp tục tăng đang khiến cuộc sống và công việc của người dân ở các thành phố ngày càng căng thẳng. Điều này dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với nhận thức về sự hạnh phúc và niềm tin vào sự công bằng trong xã hội của người trẻ. Do đó, không chỉ kiểm soát giá nhà đất mà còn giá thuê nhà cũng là việc quan trọng.
Dường như Bắc Kinh đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong năm nay, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên quy định rằng các chương trình "an ninh nhà ở" của đất nước nên bao gồm cả các căn nhà cho thuê và nhà cho thuê giá vừa phải. Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn cũng ưu tiên phát triển nhà cho thuê giá rẻ, tháng 8 năm ngoái đã ban hành văn bản giới hạn mức tăng giá thuê nhà ở thành thị với mức 5%.
Tham khảo Sixth Tone