A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Long nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm

Ngày 15/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.

Với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2024 trên phạm vi toàn tỉnh với các hoạt động như: Triển khai chiến dịch truyền thông về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm...

Để triển khai Tháng hành động đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Các ngành, các cấp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Qua đó thực hiện tốt công tác kiểm soát, cảnh báo ngăn chặn kịp thời nguy cơ mất an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Các ngành, các cấp tiếp tục duy trì các hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, nghiên cứu mở rộng hoạt động thanh tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất để cảnh báo kịp thời và áp dụng các biện pháp khắc phục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, các ngành, các cấp cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, tăng cường phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, mỗi ngành, mỗi địa phương phải xem công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung, không phải là trách nhiệm của riêng ngành y tế; quan tâm quản lý ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, phòng ngừa là chủ yếu.

Ngoài ra, các ngành, các địa phương tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn... Đồng thời, công khai thông tin về các thực phẩm, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo an toàn; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tốt, các cơ sở sản xuất uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm để người dân có sự lựa chọn tốt nhất trong quá trình tiếp cận và tiêu dùng./.

Lê Thúy Hằng


Tác giả: Lê Thúy Hằng
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm