A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tránh hiệu ứng tăng lương, tăng giá

“Tháng 7 tới sẽ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi đã tính toán rất kỹ và thấy không ảnh hưởng nhiều đến giá cả. Tuy nhiên, vẫn phải hết sức quan tâm, để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về hiệu ứng tăng lương, tăng giá có thể xảy ra trong thời gian tới.

Lo tăng lương, tăng giá

Theo đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái), vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, trong khi giá của một số loại mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm cũng có thể tăng thời gian tới. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết các giải pháp tổng thể trong điều hành giá, bảo đảm kiểm soát được lạm phát, tránh hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá.

Tránh hiệu ứng tăng lương, tăng giá - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời, điều hành giá là một nghệ thuật, cần uyển chuyển, trong đó ưu tiên hàng đầu là đời sống người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa. Muốn thế, phải nắm bắt thị trường để có những giải pháp, kịch bản điều hành đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% mà Quốc hội giao.

Tránh hiệu ứng tăng lương, tăng giá - Ảnh 2.

ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) bày tỏ lo ngại về tình trạng tăng lương, tăng giá.

Đề cập thị trường bất động sản “đóng băng”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lâm vào khủng hoảng, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và giải pháp tháo gỡ thời gian tới. Phó Thủ tướng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như những vướng mắc về quy trình, quy định; khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền; một số trường hợp vi phạm pháp luật; khó khăn của doanh nghiệp trước tác động của đại dịch… Để tháo gỡ, ông Khái cho biết, Thủ tướng đã quyết định thành lập hai tổ công tác do hai phó thủ tướng làm tổ trưởng để làm rõ nguyên nhân và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Với những giải pháp đã thực hiện, thị trường bất động sản và TPDN gần đây cũng dần ổn định được tình hình”, ông Khái thông tin.

Bày tỏ lo ngại về tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt khi xảy ra vụ việc Vạn Thịnh Phát, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này. Cho rằng, việc sở hữu chéo, sở hữu chéo ngầm rất nguy hiểm, làm méo mó các hoạt động kinh tế, không công khai, minh bạch, ảnh hưởng tới môi trường chung, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước thường xuyên thanh tra để ngăn ngừa, xử lý vi phạm. “Vừa qua, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội Dự án sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, mong các đại biểu Quốc hội đóng góp trí tuệ để ngăn chặn và hạn chế tình trạng trên”, ông Khái nói.

Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) về bài học xử lý sai phạm hàng loạt trong lĩnh vực đăng kiểm để “đánh chuột nhưng không vỡ bình” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đây là vụ việc vi phạm diễn ra từ lâu, phạm vi rộng, đối tượng phạm tội nhiều. Tuy nhiên, qua vụ án này cho thấy, công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực phải được chú trọng hơn, nhất là công khai, minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác. Cùng với đó, phải tăng cường thông tin minh bạch, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động. “Phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý sớm, khi có vi phạm thì phải xử lý nghiêm, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đánh chuột nhưng không vỡ bình”, ông Khái nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải kiểm soát được quyền lực, bởi quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không được kiểm soát.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nói rằng tham nhũng tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Do đó, giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong đúng khuôn khổ. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực”, đại biểu hỏi. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải kiểm soát được quyền lực, bởi quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, giúp loại bỏ kịp thời những sai phạm; phát hiện và ngăn ngừa cũng như xử lý nghiêm các sai phạm.

Tránh hiệu ứng tăng lương, tăng giá - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải kiểm soát được quyền lực, bởi quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, giúp loại bỏ kịp thời những sai phạm; phát hiện và ngăn ngừa cũng như xử lý nghiêm các sai phạm.

Dẫn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn; phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, ông Khái nêu giải pháp quan trọng hàng đầu là hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực nhà nước; xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm, giải trình…

Thực hiện lời hứa là kênh để lấy phiếu tín nhiệm

Sáng 8/6, phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi động, phản ảnh sát với diễn biến thực tế đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phiên chất vấn có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 6 tới đây (tháng 10), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người được chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Đây vừa là cách thức giám sát lại, thể hiện sự đi đến cùng vấn đề giám sát để thực sự tạo nên chuyển biến, vừa là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm