A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siêu dự án kết nối Việt Nam-Trung Quốc cần 11 tỷ USD có tín hiệu mới từ Bộ GTVT: Khởi công trước năm 2030?

Việt Nam chuẩn bị triển khai nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mà phía Trung Quốc mong muốn tham gia đầu tư, xây dựng.

Bộ GTVT chốt đầu mối nghiên cứu tiền khả thi của dự án

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa giao Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, Bộ trưởng giao Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt với mục tiêu bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác.

Có vai trò là một trong các trục giao thông chính trên hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Thời gian thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng năm 2023 – 2025.

Siêu dự án kết nối Việt Nam-Trung Quốc cần 11 tỷ USD có tín hiệu mới từ Bộ GTVT: Khởi công trước năm 2030? - Ảnh 1.

Bộ GTVT vừa giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Báo Công Thương

Kinh phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được bố trí theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm.

Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tổ chức lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định hiện hành.

Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ giúp các cơ quan chức năng làm rõ thêm chi phí đầu tư, tính khả thi tài chính và tác động của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trước khi quyết định triển khai các bước tiếp theo.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.

Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 160 km/h, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.

Tập đoàn lớn Trung Quốc muốn góp sức xây dựng dự án

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, vào ngày 16/9, trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp một số lãnh đạo tập đoàn lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt, năng lượng.

Tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) - tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn CREC đã góp phần hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm và đánh giá đơn vị có kinh nghiệm làm hạ tầng ở Việt Nam.

Nêu định hướng tới đây Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam), người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, đây là một trong những tuyến đường sắt quan trọng kết nối vành đai và con đường.

Siêu dự án kết nối Việt Nam-Trung Quốc cần 11 tỷ USD có tín hiệu mới từ Bộ GTVT: Khởi công trước năm 2030? - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) Trần Vân. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng cùng Chủ tịch CREC cùng trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng khoảng 388km.

Chủ tịch CREC đánh giá việc xây dựng các tuyến đường sắt mang lại giá trị kinh tế cho hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và là nền tảng cho chính sách vành đai và con đường. Đơn vị này có thể cung cấp khảo sát thiết kế, đầu tư, thi công, thậm chí cả quản lý cho dự án này.

Ông Trần Vân bày tỏ rất mong muốn góp sức thúc đẩy, tham gia xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Hoan nghênh sự quan tâm của CREC muốn tham gia vào dự án này, Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc tiếp, các cơ quan Việt Nam trao đổi cụ thể về khả năng triển khai dự án trong thiết kế, thu xếp nguồn vốn, thi công, quản lý… theo hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất cho hai bên.

Để đạt được những tín hiệu tích cực như hiện nay, các cán bộ của tập đoàn lớn Trung Quốc đã khởi động quá trình nghiên cứu, khảo sát, lên kế hoạch cho tuyến đường sắt trên suốt 5 năm (từ năm 2015). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, dự án tạm dừng.

Đến năm 2023, hai bên đang triển khai các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ, bàn giao và tiếp nhận kết quả nghiên cứu của dự án.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm