A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hậu Giang: Thực tập về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh

Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi thực tập về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Buổi thực tập nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác của các đơn vị chủ rừng và quần chúng nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao năng lực chỉ huy, kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy tại chỗ, từ đó làm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy rừng gây ra. Buổi thực tập góp phần nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng liên ngành công an, quân sự, kiểm lâm và đơn vị chủ rừng trong chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo tình huống giả định, khi phát hiện có điểm cháy tại Khoảnh 72, người trực quan sát camera báo cáo về Trạm bảo vệ rừng Long Phụng để kiểm tra hiện trường, đồng thời báo động cháy cho Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng Khu bảo tồn để điều động các lực lượng tham gia chữa cháy, gồm: Tổ chữa cháy (3 tổ, 12 người/tổ); Tổ Hậu cần (8 người, chuẩn bị nhiên liệu, thức ăn, nước uống, các vật dụng y tế,..) và quần chúng sống xung quanh Khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, ngay sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Phụng Hiệp tiến hành điều động lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với xã Hiệp Hưng trong việc huy động lực lượng, trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng cùng Khu bảo tồn. Với sự chủ động, cơ động nhanh nhẹn ở các khâu tổ chức, sau khoảng 2 giờ triển khai các biện pháp chữa cháy rừng, đám cháy cơ bản được khống chế.

Tại buổi họp rút kinh nghiệm, các thành viên Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đánh giá buổi thực tập diễn ra thành công theo kịch bản, phương án đề ra, nhất là đảm bảo an toàn về con người tham gia diễn tập, điểm cháy được khống chế tốt và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Đặc biệt, điểm mới trong buổi thực tập là sử dụng flycam trên cao để quan sát bao quát tình huống, từ đó giúp công tác chỉ đạo được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Về một số điểm cần lưu ý trong đợt thực tập, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng cho rằng, các đơn vị cần linh hoạt hơn với mọi tình huống trong thực hiện chữa cháy theo tình hình thực tế chứ không theo kịch bản; việc báo cháy cần thông báo nhanh chóng cho chủ rừng và Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện để có sự phối hợp chữa cháy đạt hiệu quả; đồng thời trang bị thêm bộ đàm để công tác chỉ huy đạt hiệu quả hơn.

Hậu Giang hiện có gần 6.000ha diện tích đất rừng, trong đó, có gần 3.800ha có rừng. Qua kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2023-2025 của các đơn vị chủ rừng, xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là 1.656ha.

Hiện, các đơn vị được trang bị 27 máy chữa cháy chuyên dụng, 4 máy bơm tràn. Hầu hết Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã đều được trang bị 1 máy chữa cháy cơ động và 43 camera phục vụ việc giám sát tại các khu rừng trên địa bàn./.

Hồng Dân


Tác giả: Phạm Duy Khương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm