A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp

Chiều 15/4, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình. Đây là hoạt động ý nghĩa giúp các doanh nghiệp trên địa bàn có nguồn nhân lực qua đào tạo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong tương lai.

Tại Hội nghị, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo và cung ứng lao động giữa Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội với Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn đã diễn ra.

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang khá lớn. Năm 2024, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động (trong đó yêu cầu 3.200 lao động trình độ Cao đẳng; 2.800 lao động trình độ Trung cấp; 4.000 lao động trình độ Sơ cấp và 2.000 lao động phổ thông). Đến năm 2025, nhu cầu này dự báo là trên 78.000 lao động và tăng lên đến trên 82.000 người vào năm 2030. Chỉ tính riêng Khu công nghiệp Liên Hà Thái (khu công nghiệp kiểu mẫu, tiên phong trong Khu Kinh tế Thái Bình) đến nay đã có 25 dự án với nhu cầu sử dụng trên 40.000 lao động, chủ yếu là lao động qua đào tạo và lao động chất lượng cao.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh chủ động tuyển chọn được lực lượng lao động qua đào tạo, phục vụ yêu cầu sản xuất kinh doanh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã khảo sát năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao trong khu vực để lựa chọn hợp tác đào tạo, cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động có được lực lượng lao động qua đào tạo theo nhu cầu cũng như tạo nguồn nhân lực những năm tiếp theo.

Để hoạt động này đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung trong Hợp đồng nguyên tắc đã ký kết; phối hợp khảo sát thực tế dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp để thống nhất, đánh giá, bổ khuyết vào chương trình đào tạo những nội dung, phương pháp, công nghệ mới nhằm nâng cao kỹ năng lao động, chuẩn đầu ra sau quá trình đào tạo. Đồng thời, các đơn vị thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong việc liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật, cơ chế chính sách của trường ở mức cao nhất…

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết, nhà trường hiện đang đào tạo nghề với 14 nhóm ngành thuộc trình độ Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp. Với các thỏa thuận hợp tác đào tạo, trên 90% sinh viên sau khi ra trường đều tìm được việc làm phù hợp, mức thu nhập khá. Trường cam kết thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn lao động nói chung cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ, tay nghề lao động nói riêng, đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động ngày càng cao của doanh nghiệp./.

Thu Hoài


Tác giả: Đinh Thị Thu Hoài
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm