A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh

Gần 55 năm trôi qua, chiến thắng Khe Sanh - Quảng Trị năm 1968 ví như một Điện Biên Phủ thứ hai đã trở thành một khúc tráng ca đi vào lịch sử dân tộc. Trong số những con người làm nên chiến thắng vẻ vang ấy có một người lính từng công tác tại ngành Dầu khí đã dành trọn tuổi thanh xuân tham gia phục vụ cho chiến dịch.

Vùng đất lửa Khe Sanh

Cách đây tròn 55 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ-Ngụy.

Đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, với âm mưu kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sau ba năm trực tiếp tham chiến, Mỹ chẳng những không thực hiện được âm mưu đề ra, mà ngày càng sa lầy và đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong khi đó, quân và dân ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh và liên tục tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, giành và giữ thế chủ động chiến lược.

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh
Quân giải phóng tiến lên chiếm các mục tiêu của địch tại Khe Sanh. Ảnh tư liệu.

Cuối năm 1967, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của ta trên toàn chiến trường miền Nam, Mỹ - Ngụy lâm vào thế bị động về chiến lược, buộc chúng phải chuyển vào phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh, hòng ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Để thực hiện ý định đó, tại đây, địch xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố, vững chắc; bố trí khoảng 45.000 quân (28.000 quân Mỹ), cùng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và sự chi viện tối đa của hỏa lực các cấp.

Hội đồng khoa học dưới sự điều khiển của McNamara đã vạch ra một kế hoạch với tham vọng lớn: Mỹ cho xây một hệ thống đồn bốt dày đặc, cứ khoảng 2 km có 1 tháp canh khoảng 4 km có 1 căn cứ cỡ đại đội hoặc tiểu đoàn. Đồng thời, bố trí một hệ thống công sự gồm đủ hầm hào, lô cốt kiên cố, hàng chục lớp hàng rào kẽm gai chằng chịt, xen kẽ với nhiều lớp bom mìn đủ kiểu: mìn định hướng, mìn đĩa, mìn lá, mìn Claymore, mìn chiếu sáng, lựu đạn nổ tức thì (Mỹ dự kiến sử dụng 20 triệu quả mìn và 25 triệu quả bom cỡ nhỏ). Đặc biệt phòng tuyến được trang bị phương tiện điện tử tối tân như "cây nhiệt đới", "máy thông minh", "máy phát hiện hơi người"...

Căn cứ quân sự Khe Sanh là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử, được xây dựng thành tập đoàn phòng ngự mạnh và kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam, gồm các cứ điểm: Lang Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, Huội San, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Toàn bộ tuyến phòng thủ Đường 9 - Khe Sanh rộng gần 20 km từ nam vĩ tuyến 17 đến Đường 9, dài 100 km, chạy song song với sông Bến Hải từ Biển Đông đến biên giới Việt - Lào.

Với tuyến phòng ngự kiên cố này, Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn quân giải phóng từ miền Bắc tiến công hoặc thâm nhập qua giới tuyến quân sự tạm thời vào miền Nam. Giới quân sự Mỹ lúc đó coi Khe Sanh là căn cứ có thể mạnh hơn Điện Biên Phủ do thực dân Pháp xây dựng trước đây.

Về phía ta, qua nghiên cứu tình hình cách bố trí lực lượng cuối năm 1967, Tổng Quân ủy cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vạch ra kế hoạch chiến lược năm 1968 là: "Thực hiện cuộc tiến công đồng loạt vào thành phố, thị xã kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng mở đầu cho một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị - Thiên - Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng"

Cùng với đó, thực hiện đòn tiến công của bộ đội chủ lực nhằm thu hút, phân tán lực lượng, tiêu diệt địch mà chiến trường chính là hướng Đường 9 – Khe Sanh. Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh sẽ thực hiện nhiệm vụ thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch (chủ yếu là lính Mỹ), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miền Nam, trước hết là khu vực Trị-Thiên-Huế thực hiện đòn chiến lược tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược trên, ngày 6 tháng 12 năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Theo quyết định trên, Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó tổng tham mưu trưởng làm tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy mặt trận.

Quân ủy Trung ương và Bộ tổng tư lệnh, Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị ra nghị quyết chỉ rõ: Trong Xuân - Hè năm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở đường 9 và phát triển vào Trị - Thiên - Huế. Thu hút, giam chân, tiêu diệt lực lượng Mỹ - ngụy ra Đường 9 càng nhiều càng tốt.

Cuộc hành quân thần tốc mở đường vào cứ điểm Khe Sanh

Các Sư đoàn tham gia chiến dịch năm đó gồm, Sư đoàn bộ binh 304, 320, 324B và 325 (từ tháng 5, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 vào thay cho các Sư đoàn 324B và 325 đi chiến trường khác). Trong những người con trong Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch bảo vệ Tổ quốc năm đó có chàng thanh niên trẻ Hoàng Văn Phổ (nguyên Trưởng ban Lao động – Tiền lương và Chế độ Chính sách, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam). Học hết lớp 10, năm 19 tuổi ông Phổ gia nhập đại đội công binh - cầu phà, trực thuộc tiểu đoàn 15 (sau đổi thành tiểu đoàn 17 Sư đoàn 304), Đại đội của ông trực tiếp nhận nhiệm vụ dùng bộ cầu phao DLP của Nga để bắc cầu đảm bảo công tác vận tải qua sông Mã (Thanh Hóa) cho pháo binh, và các phương tiện vận tải bằng ô tô phục vụ tiếp tế cho khu 4 và miền Nam.

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh
CCB Hoàng Văn Phổ ở tuổi 76

Đây là một trong các vị trí trọng điểm bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt trong suốt 3 năm 1965-1967. Trên địa bàn Thanh Hóa, Đò Lèn, Hàm Rồng, và Bến Ghép là 3 cao điểm lúc nào cũng đỏ lửa, máy bay Mỹ quần thảo ngày đêm, bắn phá vô cùng ác liệt, lúc này địch đã phá Cầu Hàm rồng, Cầu Đò Lèn và Bến Ghép. Đại đội đã dùng bộ dụng cụ cầu phà bắc cầu cho bộ đội vượt sông. Tối bắc cầu, cả đêm phục vụ cho xe, pháo qua lại và buổi sáng dỡ cầu đi giấu ở dọc sông, cứ thế trong 3 năm liền dưới mưa bom, bão đạn đại đội của ông Phổ luôn hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu, tuyến lửa Thanh Hóa.

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh
Ông Hoàng Văn Phổ sinh năm 1946, ảnh chụp năm ông 26 tuổi

Ông vẫn nhớ từng chi tiết trong về đợt hành quân vào tháng 11/1967, sau khi được giải quyết nghỉ phép 15 ngày. Toàn đơn vị được nhận quân trang mới hoàn toàn như quần áo Tô Châu, mũ sắt, giày vải, súng lựu đạn, mặt nạ phòng hóa, bông băng cá nhân, thuốc khử trùng trong nước ..., nếu là tiểu đội trưởng trở lên được trang bị thêm đèn pin, bật lửa, dao găm. Bữa cơm chiều được ăn lúc 16h, sớm hơn mọi khi ngay sau đó, đồ đạc dụng cụ được gói gọn trong chiếc ba lô con cóc, 17h ngày 7/11/1967, toàn đại đội 120 cán bộ, chiến sĩ dàn thành hàng dọc bên bờ sông xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, chỉ ít phút sau đoàn quân trang phục mới hoàn toàn được lệnh xuất phát, mỗi người đeo trên lưng ít nhất là 30kg lặng lẽ đi theo bờ ngòi xã Hợp Lý và đi ra đường quốc lộ 15 về phía Nam.

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh
Ông Hoàng Văn Phổ thời trẻ

Khi đi qua các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi đồng bằng thì hành quân vào ban đêm từ 18h chiều đến 4-5 giờ sáng. Bắt đầu từ Hương Khê, đoàn quân tiến vào rừng hành quân vào ban ngày, cứ như vậy đi 6 ngày liên tục thì được nghỉ ngày thứ 7 để tắm giặt, lĩnh lương thực, thực phẩm cho 7 ngày tiếp theo. Từ đồn biên phòng Cù Bai, đường đi bắt đầu hiểm trở hơn, núi đá và nhiều dốc cũng bắt đầu từ đây, thi thoảng mới gặp một vài nhà đồng bào dân tộc làm lán trong rừng sâu hoặc vào các hang đá, đồng bào mang gà, bí đỏ, bí đao đổi cho bộ đội lấy muối về dung, do có nhiều đoàn bộ đôi qua đây nên đồng bào dân tộc nói tiếng Kinh rất tốt.

Ông Phổ kể tiếp, sau khi vượt qua dốc Nguyễn Chí Thanh, con dốc này cao 1700 bậc, nghĩa là leo lên 1700 bậc và xuống 1700 bậc, chưa kể những đoạn phẳng. Buổi sáng bên chân dốc phía Bắc, buổi chiều thì mới vào đến chân dốc phía Nam. Đi tiếp rồi qua đất Lào, rừng ít đi, chủ yếu là các đồi cây le và các cây đúp xúp nhưng đã bị dân đốt làm rẫy hoặc bị địch thả bom Na-pan, thả bom diệt cỏ làm cho cháy hết. Trời rất nóng, muốn có nước uống bộ đội phải dung bi-dong lấy nước trong khe núi chảy ra bỏ 1 viên Pan-to-xit vào khử trùng, chờ khoảng 30 phút sau thì uống được.

Cuối tháng 12/1967, ông Phổ cùng các đồng đội hành quân đến một khu rừng già khá bằng phẳng, rộng lớn, thoáng mát, nhiều chỗ nằm, vẫn còn dấu tích của nhiều đơn vị bộ đội qua đây như hầm, hố cũ, cọc mắc võng, bếp Hoàng Cầm, củi lửa còn thừa thãi để lại, địa điểm này chính là Binh trạm 30A. Đại đội dành thời gian nghỉ ngơi tại đây 1 ngày và lĩnh thêm quân lương, đến ngày thứ 3, đơn vị ông có lệnh tách khỏi tiểu đoàn và trung đội, ông cũng tách ra khỏi đội hình của đại đội, có một anh bộ đội địa phương dẫn đường cho chúng tôi đi về phía đông.

Từ Binh trạm 30A, đơn vị đến một khu rừng thuộc bản Lào nằm cách bờ sông Sêpôn 1 đoạn ngắn, bản có tên là Tam Thanh. "Dừng lại nghỉ ngơi tại bản Tam Thanh 1 đêm, sáng hôm sau, chúng tôi lội qua sông Sêpôn để trở về đất Việt, lúc này đang là mùa khô, nước sông Sêpôn nhiều chỗ chỉ xắn quần quá đầu gối là đã lội được rồi, khu vực này xuất hiện rất nhiều máy bay trinh sát bay lượn ngày đêm như L19, OV10A, trực thăng C130, chúng quần thảo suốt ngày đêm để phát hiện những hành động của quân ta, vì lẽ đó chúng ta khi hành quân thì phải có giãn cách", ông Phổ hồi tưởng lại.

Xác máy bay bị quân giải phóng bắn rơi trong chiến dịch đường 9 - Khe Sanh
Xác máy bay bị quân giải phóng bắn rơi trong chiến dịch đường 9 - Khe Sanh. Ảnh TTXVN

Khi lội sông, 1 người ở bờ sông bên này phải chờ người ở dưới sông qua bờ sông bên kia thì mới lội tiếp nghĩa là ở trên sông lúc nào cũng chỉ có 1 người đề phòng địch phát hiện. Nếu bị phát hiện, địch có thể dùng hỏa lực để tiêu diệt hoặc nếu lực lượng của ta ít, chúng sẽ điều các đơn vị bộ binh đến để vây bắt.

"Trung đội trưởng của chúng tôi là anh Phạm Công Tân, bộ đội tái ngũ quê ở Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình, có lẽ anh hơn chúng tôi khoảng hơn 10 tuổi, dáng người nhỏ bé, có thể anh mới học hết lớp 2, lớp 3 gì đó, cho bộ đội nghỉ bên bờ suối, anh trực tiếp triệu tập 3 tiểu đội trưởng để hội ý công việc. Anh phổ biến vắn tắt cấp trên giao cho chúng ta mở 1 con đường mới xuyên rừng bắt đầu từ đây tiến đến cứ điểm Khe Sanh là huyện lị huyện Hưng Hóa, Quảng Trị nằm ngay trên đường 9 để bộ binh hành quân thực hiện nhiệm vụ”, ông Phổ bồi hồi nhớ lại.

Yêu cầu của cấp trên là phải giữ bí về con đường mới này, đi trong rừng, tránh đi qua các bãi trống, không đi theo các đường mòn đã có, đường ít dốc càng tốt. Trong mở đường rừng, quan trọng nhất là người vạch ra tuyến đường tốt nhất theo yêu cầu, phải sử dụng bản đồ, ống nhòm xác định được điểm đứng, hướng đi, đường đi tốt nhất, không được lạc đường, đường phải ngắn nhưng đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật. Trung đội được chia làm 2 bộ phận, bộ phận đi trước gồm 3 đồng chí có nhiệm vụ vạch ra tuyến đường, đánh dấu tim đường, bộ phận đằng sau còn lại thi công tuyến đường mà người đi trước đã vạch ra, như chặt cây, đào dốc, làm bậc, bắc cầu qua suối…

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Đến lúc này, Trung đội trưởng phân công ông Phổ - Tiểu đội trưởng tiểu đội 9 cùng 02 đồng chí tự chọn để làm bộ phận đi trước vạch hướng đường, tìm đường, ông Phổ được trang bị bản đồ quân sự, ống nhòm, la bàn, và dao găm, 02 chiến sĩ đi cùng được trang bị súng đạn, dao găm để chặt cây, đánh dấu đường.

Nhiệm vụ này có vẻ “bất khả khi” với ông Phổ là bởi ông chưa bao giờ nhìn thấy tấm bản đồ quân sự, lại chưa bao giờ sống trong rừng như thế này, nhìn vào tấm bản đồ thì thấy chằng chịt các đường xanh, đường đỏ đường xám ... nhưng ông không thể từ chối được, thực ra việc này là của Trung đội trưởng, còn trung đội phó chỉ huy thi công ở phía sau. Mất gần 1 giờ đồng hồ nghiên cứu cấu tạo của bản đồ cuối cùng ông đã làm quen bước đầu các dấu hiệu trên bản đổ để hình dung ra thực địa.

Bắt đầu công việc, xác định trên bản đồ về địa hình, phương hướng, vẽ chỉ hướng tuyến đường cần mở và 02 chiến sĩ đi sau cầm dao găm chém đánh dấu vào 02 mép đường 02 bên một phải, một trái cứ như thế tốp thi công phía sau nhìn vào các dấu hiệu trên cây để mở ra thành đường, sao cho đường rộng đủ hành quân có thể khiêng cáng, khiêng súng cối và khiêng chở thương binh. Người đi trước định vị hướng đi cần hình dung toàn bộ tuyến để đi đúng hướng để đảm bảo kỹ thuật, không bị lạc, không vòng vèo giảm tối thiểu vòng tránh. Những dốc đá pha đao, đất rất dễ trơn trượt, nhiều đoạn leo dốc phải đánh thành bậc, đóng cọc cho chắc chắn để bộ đội đi, thậm chí là đi ban đêm.

Ngày đầu tiên mới bắt đầu nên công việc nên ông cùng các đồng đội còn lúng túng chỉ làm được 2 km đường, đến ngày thứ 2 trở đi đã quen với công việc nên làm nhanh hơn, đặc biệt người vạch tuyến đường và quan sát địch, quan sát địa hình thì thạo việc hơn. Đường mở và lối đi không có bản, không có đường mòn nên chúng tôi đi vào những cánh rừng có rất nhiều động vật hoang dã như lợn rừng, hoẵng, voi… nhưng vì giữ bí mật nên tuyệt đối không được bắn động vật, có những con voi đi để lại vết chân đường kính dấu chân 30-35cm còn mới như vừa đi qua đêm hôm trước.

Hưng hóa chủ yếu là dân tộc Vân Kiều sinh sống, những nơi gần đường 9 thì dân đã bỏ đi ở nơi khác rồi. Tuyến đường chúng tôi mở, bắt đầu từ bản Xa-pa-na-pôn cách bờ Sêpôn khoảng 3km, nhìn trên bản đồ từ bản này đến cứ điểm Khe Sanh khoảng 17-20km đường chim bay, ngược đường 9 đến Khe Sanh, cứ điểm tiểu đoàn biệt kích ở tại Làng Vây là khoảng 10km.

"Ban ngày mở đường, tối đến căng võng trải ra nằm, chúng tôi huy động một số anh em buổi tối mang đèn pin đi bắt cua ở suối đá, bắt cua rất dễ chỉ cần lách tay vào khe đá thì sẽ bắt được cua, có hang bắt được 2-3 con cua, rồi chúng tôi còn lấy màn kéo lưới bắt cá suối để cải thiện. Làm được khoảng 04 ngày thì có thông tin hôm nay là ngày tết dương lịch 1/1/1968, vào chiến trường, nhiều người không để ý đến ngày, đến tháng đến lịch chỉ có riêng chính trị viên đại đội là được trang bị chiếc radio để theo dõi tình hình hình thời sự", ông nói.

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh

Ngày 1/1/1968, do có trục trặc của đơn vị vận tải nên đơn vị ông không đi lấy gạo được, và đến ngày này thì hết gạo do vậy mọi người phải đào củ chuối rừng, rau môn thục bên bờ suối nấu ăn thay cơm.

Ông kể tiếp: "Hàng ngày, chúng tôi lặng lẽ làm đường thực hiện phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, phải thường xuyên giữ bí mật, trên trời bất kể ngày đêm các loại máy bay trinh sát thường xuyên hoạt động để giám sát các hoạt động của ta dưới mặt đất, ở trong rừng có các loại cây nhiệt đới, đây là một loại ăng-ten truyền phát do địch thả xuống, khi có tiếng người nói sẽ báo về trung tâm tình báo của của địch, cây nhiệt đới có hình dạng giống cây dương xỉ, cao khoảng 50-60cm, đây là thiết bị nằm trong hàng rào điện từ Mcnamara để chống lại sự xâm nhập của quân đội ta".

Địch rất đề phòng phía Bắc đường 9, chúng cảnh giác quân ta thâm nhập qua Vĩnh Linh, vượt sông Bến Hải để vào Quảng Trị nên các điểm đóng quân, điểm thám báo thiết bị điện tử dày đặc. Ngược lại biết được thủ đoạn đối phó của đich, các đơn vị của chúng ta theo lệnh của cấp trên đã tiến về phía Nam đường 9 hành quân ngược ra phía Bắc, sau này ông mới có thông tin, để đánh lừa địch, cấp trên đã chỉ đạo một đoàn cán bộ, chiến sĩ đi dọc đoàn 559 vào sâu phía miền Trung – Tây Nguyên, đoàn cán bộ hàng ngày đi về phía Nam và lên song 15w, đây là loại thiết bị mật mã, truyền phát vô tuyến hiện đại nhất lúc bấy giờ, để trao đổi thông tin với Hà Nội, coi như đại đoàn quân vinh quang, tức sư đoàn 304 đang tiến vào sâu phía Nam, trong khi đó, đại quân đã rải khắp phía Nam khu 4, biên giới Việt – Lào chờ hiệu lệnh xuất kích.

Với hàng chục trận đánh thời đó, ông Hoàng Phổ khó có thể nhớ và kể hết những trận mà ông từng trực tiếp chiến đấu. Có lần đơn vị được giao nhiệm vụ tập kích ngụy đổ bộ xuống cứ điểm Làng Vây. Dù là lính công binh song ông cũng sẵn sàng dùng “bộc phá bay” để diệt nhiều tên địch. Ngày hôm sau Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đưa tin toàn bộ nhóm biệt kích tại Làng Vây bị tiêu diệt hoàn toàn. Hay có lần bảo vệ trận địa “hỏa tiễn DKB” tại sân bay Tà Cơn thì địch phát hiện, chúng điên cuồng oanh tạc gần chỗ ông Phổ đang trú ẩn, rất may không ai bị thương vong và còn vô số lần ông Phổ thoát chết trong gang tấc bởi các nhóm biệt kích. Dù trong mưa bom, bão đạn trong bất cứ hoàn cảnh nào ông và các đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chuyện về người lính Dầu khí mở đường vào chiến dịch Khe Sanh
Ông Hoàng Phổ nhận danh hiệu Dũng sĩ năm 1968

Việc mở đường cứ thế tiếp tục, con đường khi đến gần cứ điểm Khe Sanh, việc coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị ông Phổ bàn giao cho cấp trên và đi nhận nhiệm vụ mới. Công binh là những người mở đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Công binh là người đi trước mở đường thắng lợi”. Năm 1968 ông vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Dũng sỹ.

Sau 177 ngày đêm (20/1 đến 15/7/1968) chiến đấu liên tục, chiến dịch kết thúc. Kết quả Quân đội nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 12 nghìn quân địch (chủ yếu là Mỹ), bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay cùng nhiều vũ khí. Chính chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là đòn nghi binh chiến lược nhằm thu hút các đơn vị quân chủ lực của Mỹ ra khu vực Đường 9 để tiêu hao, tiêu diệt và giam chân chúng tại đây nhằm tạo điều kiện cho quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968...

Năm 1973, ông Hoàng Văn Phổ về công tác tại Liên đoàn Địa chất 36 – Thái Bình là một nơi yêu cầu có trình độ chuyên môn, kỹ thuật rất cao. Cũng nơi đây ông đã có 3 năm học tập rèn luyện và cống hiến cho Liên đoàn. Năm 1978, ông về công tác tại Vụ Lao động- Tiền lương, Tổng cục Dầu khí công việc chính của ông là làm về chính sách tiền lương thưởng, thời kỳ ông làm Trưởng ban Lao động – Tiền lương và Chế độ Chính sách (Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) ông Phổ đã có nhiều đề xuất, góp ý góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động.


Tác giả: Vùng đất lửa Khe Sanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm