A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách khuyến khích văn học thời Lê trung hưng

Thời Lê trung hưng, chúa Trịnh Giang thích văn nghệ, từng cất nhắc nhiều bề tôi có văn hợp ý chúa.

 
Khuê Văn Các - Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Khuê Văn Các - Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Có viên quan là Quản Dĩnh chép ám tả (chính tả) được toàn văn bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, chúa bổ nhiệm ngay làm Đốc đồng Sơn Nam.

Sử sách thời Lê trung hưng không ghi rõ họ tên viên quan Quản Dĩnh này, nhưng chức “quản” thì có lẽ ông này đang ở trong quân đội.

Chức đốc đồng, theo sách “Quan chức chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú giải thích: “Chức này đặt ra từ thời trung hưng. Các trấn đặt chức đốc đồng, khám xét việc kiện cáo; dùng quan tứ phẩm, ngũ phẩm trở xuống”. Cha của Phan Huy Chú là Phan Huy Ích từng giữ chức Đốc đồng Thanh Hóa.

Theo bộ sử “Đại Việt sử ký tục biên” của các sử quan nhà Lê chép, sự việc diễn ra vào mùa Thu năm 1735, năm đầu đời vua Lê Ý Tông, như sau: Chúa Trịnh Giang thích văn nghệ, thường những khi ngoài buổi triều hội, mời các bầy tôi thi tụng vào ăn yến trong lầu gác.

Có lúc ở nhà Dưỡng Chính, đình Bát Giác, Tây Tung, Phượng Các, cho các bầy tôi xem sách, bàn bạc sách vở, nghiên cứu đúng rõ nghĩa văn. Hoặc chúa cho bề tôi xem phép viết chữ Hán theo thể chân, thảo, triện. Hoặc hạn vần bảo làm thơ. Hoặc bảo tìm các bức thư, các bài ký, tụng, minh, châm, truyện, dẫn, chiếu chế đương triều, đề vịnh cảnh vật. Ai thi trúng thì khen thưởng trước mặt.

Chúa lại sai bề tôi biên tập thơ văn nước ta, chia ra từng mục loại, rõ cả họ tên tác giả để khi xem được đầy đủ.

Lúc bấy giờ có văn thần là Cao Huy Trạch thù tụng rất hợp ý chúa. Bọn Nguyễn Công Thái, Vũ Công Tể, Nguyễn Trác Luân, Dương Mại, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Kiểu cũng vì có văn học được chúa thân yêu. “Như thế nho thần ai cũng được khích lệ”, sách viết.

Trước thời chúa Trịnh Giang, cha ông là chúa Trịnh Cương cũng lưu ý đến việc bồi dưỡng đào tạo nhân tài.

“Đại Việt sử ký tục biên” cho biết, từ tháng Ba năm Bảo Thái thứ 9 (1728), đời vua Lê Dụ Tông, chúa đã sai các học quan cứ đến mùa Xuân, mùa Hạ khảo hạch các quan văn về từ chương văn học, hàng năm đặt làm lệ thường.

Tháng Tư năm đó, Tham tụng Nguyễn Công Hãng dẫn quan văn vào Quốc Tử Giám luyện tập thể văn bát cổ. Ông cho rằng lối học kinh nghĩa cũ là rập theo khuôn sáo cũ, không có cốt tùy văn chương. Còn thể bát cổ thì “lập ý đẻ chữ, có thể dùng để thu người có tài lạ”. Do đó, ông đem các quan văn vào Quốc Tử Giám luyện tập thể văn ấy để cổ vũ khích lệ phong khí của kẻ sĩ.

Đây là thể văn có từ đời Minh Hiến Tông bên Trung Quốc, áp dụng từ năm Thành Hóa thứ 23 (1487), với thể văn tám câu đối nhau. Ý đồ cải tiến cách thi cử của Nguyễn Công Hãng là sau bàn định kỳ thi kinh nghĩa trong khoa thi Hương, đến thi Hội sẽ đổi dùng thể văn bát cổ.

Theo các sử quan thời Lê, nước ta bắt đầu áp dụng thể bát cổ vào khoa cử là bắt đầu từ Nguyễn Công Hãng.

Tuy nhiên, cải tiến này của Nguyễn Công Hãng gặp khó khăn khi thi hành, vì đến năm 1732 đời Vĩnh Khánh đế (tức vua Lê Đế Duy Phường), “Tục biên” chép rằng: “Người học thường ngại vì thể ấy khó. Đến dịp Công Hãng bị cắt chức, việc ấy chưa kịp thi hành mà bãi đi”.

Theo bộ sử thời Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cũng cho biết thêm là khi Nguyễn Công Hãng thay đổi thể lệ thi cử, học trò đã có ý oán trách. Đến khi ông bị mất ngôi tham tụng, việc này chưa kịp thi hành đã bãi bỏ.

Tuy nhiên, dù phế truất ngôi tham tụng của Nguyễn Công Hãng (do nghi ngờ vị quan này từng không muốn lập mình lên ngôi chúa), chúa Trịnh Giang vẫn tiếp tục tiến hành cải cách thi cử và tỏ ra rất tôn sùng học sách kinh điển.

Năm đó, chúa ra chỉ dụ bàn rằng: Sách vở thánh hiền là ông tổ của văn chương. Gần đây sĩ tử chỉ học theo lối học thuộc lòng, người đọc sách Kinh, Truyện chỉ sưu tầm tiểu chú (những câu nhỏ nhặt) mà phần nhiều bỏ sót chính văn.

Người đọc sách Sử chỉ đọc các sách ngoài mà bỏ quên sách “Tư trị thông giám cương mục” (bộ sử do Tư Mã Quang đời Tống soạn). Học thuật sơ lược, lỗ mỗ, cần phải ra sức chấn chỉnh để thay đổi tập tục của kẻ sĩ. Chúa bèn ra lệnh sức cho người đi học từ nay sách Kinh, Truyện phải học về chính văn, còn như tập chú, tiểu chú thì chỉ chọn lấy phần tinh túy. Các sách “Tư trị thông giám cương mục”, “Tả truyện” cần phải đọc kỹ”.

Theo “Đại Việt sử ký tục biên” thì: “Việc học của Nho gia (nước ta) mới bắt đầu thống nhất”.

Ngoài ra, năm 1733, triều đình tổ chức kỳ thi thơ ứng chế. Lệ cũ, tiến sĩ sau khi vinh quy lại đến kinh, vua triệu vào để thi thơ ngũ ngôn ở điện Vạn Thọ, ai hợp cách thì ban cho sa, thăng cấp, gọi là ứng chế. Năm 1724 lệ thi này bị bãi bỏ, đến năm 1733 lại cho khôi phục.

Năm 1734, tháng Giêng, triều đình cho khắc in sách Ngũ kinh ban bố cho thiên hạ, chúa Trịnh Giang thân làm bài tựa. Khi khắc in xong, chúa sai chứa ván in ở nhà Quốc học.

Tuy nhiên, việc thi cử thời chúa Trịnh Giang bị dư luận chê trách khi vào kỳ thi Đình năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), đời vua Lê Ý Tông, lấy Trịnh Tuệ làm Trạng nguyên, vì ông này dù có tiếng học giỏi nhưng là họ hàng nhà chúa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm