A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

40 chủ đầu tư ở Nghệ An chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Nghệ An trong 3 tháng đầu năm đạt 5,06% kế hoạch vốn giao, tương đương với trên 282 tỷ đồng đã được giải ngân.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/3), tỉnh Nghệ An đã giải ngân hơn 282 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý, đạt 5,06%. Trong đó, có 6 địa phương và 34 sở, ngành, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân; có 6 địa phương và 8 sở, ngành, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Nghệ An, trong năm 2023, tỉnh này được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 9.033 tỷ đồng tổng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó, đưa vào kế hoạch đầu tư công tập trung tỉnh quản lý hơn 5.583 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 5.386 tỷ đồng, đạt 96,47%.

Tuy nhiên, đến nay hiện còn 20 dự án, số vốn 196,926 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục để giao vốn. Trong đó, huyện Kỳ Sơn 4 dự án, huyện Tương Dương 3 dự án, huyện Con Cuông 10 dự án, huyện Nghĩa Đàn 1 dự án, Sở Văn hóa và Thể thao 2 dự án.

40 chủ đầu tư ở Nghệ An chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Thi công Dự án Đường ven biển đoạn qua huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An)

Tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục các dự án khởi công mới khá chậm. Đến ngày 10/3, trong 48 dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 thì chỉ có 4 dự án đã có kết quả đấu thầu xây lắp và khởi công xây dựng; còn 8 dự án mới phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chuẩn bị/đang triển khai đấu thầu xây lắp.

Có 9 dự án đang lập, trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; 13 dự án mới đang ở bước đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, 8 dự án đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 3 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh dự án và 3 dự án chương trình phục hồi mới được giao vốn nên chưa triển khai các bước tiếp theo.

Nguyên nhân được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An đưa ra là do các tháng đầu năm, đối với các công trình chuyển tiếp, các đơn vị đang tập trung thực hiện khối lượng để hoàn tạm ứng kế hoạch giải ngân năm 2022. Đối với các công trình khởi công mới thì đang tập trung triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công xây dựng.

Cùng với đó năm 2023 gặp khó khăn do khối lượng công việc nhiều hơn, nguồn vốn giải ngân lớn hơn. Các yếu tố như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu.

Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục khó khăn, trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư, xây dựng phương án bồi thường bảo đảm đúng quy định của pháp luật…

Để vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vừa giảm áp lực giải ngân cho những tháng tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các ngành, các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho công tác này, có sự tham gia trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Mặt khác, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân, yêu cầu về thời gian, kết quả; quản lý chặt chẽ thủ tục, vừa thực hiện đúng quy định, vừa đáp ứng tiến độ; không đề xuất, bổ sung dự án mới khi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án hiện tại.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu 4 địa phương: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Nghĩa Đàn chậm nhất trước ngày 15/4 phải hoàn thành các thủ tục để giao kế hoạch vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc hỗ trợ các địa phương những vấn đề liên quan đến thủ tục của các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm