A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa Hiến pháp cần thể chế rõ mô hình chính quyền hai cấp

Đại biểu Quốc hội góp ý sửa Hiến pháp năm 2013, kiến nghị thể chế rõ chính quyền hai cấp, phân cấp phải gắn với nguồn lực, không làm giảm hiệu quả quản lý.

Sáng 14/5, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đóng góp các ý kiến quan trọng, tâm huyết và cụ thể, tập trung vào nội dung sửa đổi tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, phân quyền, phân cấp và chế độ chính sách liên quan đến người hoạt động không chuyên trách.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Đề xuất thể chế rõ mô hình chính quyền hai cấp trong Hiến pháp

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 lần này là cần thiết để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các Kết luận của Bộ Chính trị từ năm 2017 đến năm 2025 như Kết luận số 126, 127 và 37. Các chủ trương này không chỉ có ý nghĩa mở rộng không gian phát triển, mà còn mang tầm nhìn chiến lược trong quản trị quốc gia.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, nội dung trọng tâm của sửa đổi Hiến pháp là tổ chức lại hệ thống chính quyền theo hướng hai cấp: cấp tỉnh (gồm cả thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (gồm xã, phường, đặc khu). Việc bỏ cấp trung gian là cần thiết để tối ưu nguồn lực, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum)
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum). Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, trong dự thảo hiện tại, cách diễn đạt về hai cấp chính quyền còn chưa rõ ràng, khi dùng thuật ngữ “cấp dưới tỉnh”. Đại biểu Tô Văn Tám đề xuất thay bằng cách diễn đạt “cấp cơ sở” như trong nhiều nghị quyết của Đảng, ví dụ Nghị quyết số 13, để đảm bảo thống nhất và chính xác về mặt pháp lý chính trị.

Ngoài ra, đối với việc sửa đổi quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Điều 9 Hiến pháp, đại biểu đồng tình về việc khẳng định rõ Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị, là nền tảng của chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, ông đề nghị không đưa nội dung “phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước” vào Hiến pháp, mà nên quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đảm bảo tính ổn định và không lạm dụng làm loãng chức năng hiến định.

Phân quyền phải gắn với điều kiện thực hiện

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) hoan nghênh việc sửa đổi Hiến pháp được tiến hành khoa học, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt thông qua ứng dụng công nghệ như VNeID. Tại địa phương bà, chỉ trong 3 ngày đã thu nhận hơn 2.500 lượt góp ý từ cử tri, cho thấy người dân quan tâm sâu sắc đến nội dung sửa đổi Hiến pháp và tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc tổ chức lại chính quyền hai cấp không làm giảm hiệu quả quản lý, trái lại giúp tăng cường năng lực điều hành, gần dân, sát dân hơn. Đây cũng là xu hướng nhiều nước trên thế giới đang thực hiện như Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển. Mô hình không tổ chức cấp huyện là phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long). Ảnh: VPQH

Đại biểu thống nhất cao với phương án phân cấp mạnh cho cấp xã, chuyển giao 90/99 nhiệm vụ từ cấp huyện xuống cấp xã. Tuy nhiên, để đảm bảo việc này đi vào thực tiễn, cần có quy định rõ về điều kiện, nguồn lực và cơ chế giám sát. Bà đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền địa phương, đi kèm là hệ thống giám sát thông minh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả và minh bạch.

Ngoài ra, bà nêu vấn đề thực tiễn đang tồn tại tại nhiều địa phương sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, đó là đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố bị dôi dư. Chính sách hỗ trợ hiện hành còn thấp, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của đối tượng này. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị Chính phủ, cụ thể là Bộ Nội vụ, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ hợp lý theo hướng: hỗ trợ bằng hai lần mức trợ cấp hiện tại, cộng thêm phụ cấp theo năm công tác (tối đa không quá 60 tháng), đồng thời bổ sung chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để những người nghỉ việc sớm có thể tái hòa nhập thị trường lao động.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Nhân dân, các ngành, các cấp và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến một lần nữa. Sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp ngày 24/6 tới đây theo đúng Chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua.
 

Tác giả: Hoàng Nhưỡng - Hán Hiển
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm