A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chinh phục thị trường Trung Đông

Trung Đông trở thành thị trường tiềm năng với thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khi nhu cầu Halal tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần.

Đẩy mạnh xúc tiến, chủ động tiếp cận thị trường

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, ngành thực phẩm chế biến TP. Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Trung Đông, nơi khu vực có dân số trẻ, thu nhập cao và nhu cầu nhập khẩu thực phẩm ngày càng tăng. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh mở rộng thị phần, song cũng đòi hỏi đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là chứng nhận Halal.

Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chinh phục thị trường Trung Đông
Doanh nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh xúc tiến - chủ động tiếp cận thị trường Trung Đông tiềm năng.

Các quốc gia Trung Đông như Ả Rập Saudi, UAE, Qatar… chủ yếu nhập khẩu thực phẩm do hạn chế về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là khu vực có hệ thống tiêu chuẩn chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm phục vụ cộng đồng Hồi giáo. Yêu cầu về vệ sinh an toàn, minh bạch nguồn gốc và Halal là bắt buộc nếu muốn gia nhập thị trường.

Đáng chú ý, người tiêu dùng Trung Đông cũng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm chế biến sẵn, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của ngành thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cấp công nghệ, cải tiến mẫu mã, chuẩn hóa quy trình và đạt chứng nhận Halal. Các mặt hàng như cà phê, trái cây sấy, nước dừa, thực phẩm chay… ngày càng được thị trường Trung Đông ưa chuộng nhờ phù hợp khẩu vị và giá cả cạnh tranh.

Nắm bắt cơ hội này, thời gian qua, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại quốc tế tại khu vực Trung Đông để quảng bá sản phẩm, gặp gỡ nhà phân phối và xây dựng thương hiệu. Điển hình là sự kiện Triển lãm Quốc tế về Thực phẩm The Saudi Food Show 2025 tại thủ đô Riyadh (Ả Rập Saudi), diễn ra từ ngày 12 đến 14/5/2025. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Saudi tổ chức, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh.

Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chinh phục thị trường Trung Đông
Doanh nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Ả Rập Saudi và cộng đồng các quốc gia Hồi giáo khu vực Trung Đông, tại Triển lãm Quốc tế về Thực phẩm The Saudi Food Show 2025 (Thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi) diễn ra từ ngày 12-14/5.

Tại triển lãm, các doanh nghiệp thành phố đã trưng bày hơn 300 sản phẩm tại Cụm gian hàng chung "Ho Chi Minh Pavilion" được thiết kế chuyên nghiệp, hiện đại với diện tích lên tới 300m². Các mặt hàng chủ lực được giới thiệu gồm thực phẩm chế biến, sản phẩm từ sữa, nước trái cây, cà phê, các loại hạt, bánh kẹo, thực phẩm chay và sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Tất cả đều có chứng nhận Halal, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACCP, ISO, FDA…

Ngoài hoạt động trưng bày, hàng loạt buổi kết nối giao thương B2B, gặp gỡ 1:1 giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu, phân phối lớn tại Trung Đông cũng diễn ra sôi nổi. Các doanh nghiệp không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn tìm hiểu sâu về thị hiếu, hệ thống phân phối, hành vi tiêu dùng và thủ tục nhập khẩu tại khu vực này.

Theo ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), sự kiện là cơ hội lớn để doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thâm nhập sâu vào thị trường Trung Đông, nơi đang ghi nhận nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, nhất là nhóm sản phẩm tốt cho sức khỏe và phù hợp văn hóa Hồi giáo.

Ông Trần Trọng Kim - Bí thư thứ nhất, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Saudi cũng khẳng định, The Saudi Food Show là một trong những sàn thương mại thực phẩm lớn nhất khu vực, sự hiện diện của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho thấy bước tiến dài trong quá trình quốc tế hóa sản phẩm Việt Nam.

Nhiều giải pháp hỗ trợ mở cửa thị trường Trung Đông

Dù tiềm năng lớn, việc chinh phục thị trường Trung Đông không hề dễ dàng. Mỗi quốc gia tại khu vực này có quy định nhập khẩu riêng biệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư bài bản cho bao bì, nhãn mác bằng tiếng Ả Rập, kiểm định chất lượng theo chuẩn Halal từ các tổ chức được công nhận tại nước sở tại.

Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chinh phục thị trường Trung Đông
Dự báo đến năm 2033, thị trường Halal toàn cầu có thể đạt gần 6.000 tỷ USD cho riêng thực phẩm - đồ uống, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài việc đảm bảo yếu tố kỹ thuật, việc xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng và độ tin cậy là điều kiện bắt buộc để tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng Hồi giáo, nhóm khách hàng có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn thực phẩm. Dự báo đến năm 2033, thị trường Halal toàn cầu có thể đạt gần 6.000 tỷ USD cho riêng thực phẩm - đồ uống và khoảng 10.000 tỷ USD cho toàn bộ ngành hàng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.

Trước tiềm năng lớn từ thị trường Trung Đông, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tiếp tục triển khai nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện về tiêu chuẩn Halal, hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường và kết nối với Thương vụ Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại tại Trung Đông.

Song song đó, TP. Hồ Chí Minh cũng xúc tiến hợp tác với nhà nhập khẩu lớn, xây dựng trung tâm logistics tại các cảng quốc tế nhằm thiết lập mạng lưới phân phối bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập sâu thị trường.

Trong chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại, thị trường Trung Đông được xác định là một trong những điểm đến trọng yếu cho các sản phẩm chế biến của TP. Hồ Chí Minh. Việc đẩy mạnh xúc tiến tại khu vực này không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn nâng cao giá trị hàng hóa, gia tăng thương hiệu cho nông sản và thực phẩm Việt.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm