A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ cấp xã sau sáp nhập

Chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao...

Thảo luận sáng 14/5 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) thống nhất cao với việc sửa đổi cơ bản, toàn diện luật hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Trên cơ sở đó đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, góp phần cho các địa phương sau khi sắp xếp được hoạt động thông suốt và hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương tại Điều 11.

Theo đó, thực tế cho thấy, trong bối cảnh không tổ chức các huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.

Đây là một sự thay đổi lớn trong việc năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự đồng đều, cần có thời gian.

Chính quyền cấp tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ cấp xã sau sáp nhập
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang)

Do đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Về tổ chức chính quyền 2 cấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Thuỵ Điển đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân.

Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước, cho thấy khả năng bảo đảm hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn.

Theo đại biểu, việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Thực tế qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, Nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chính quyền cấp tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ cấp xã sau sáp nhập
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long)

Đại biểu thống nhất cao nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trong đó, chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã, cụ thể nhiệm vụ của cấp xã mới hiện nay có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh.

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ việc đảm bảo phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ.

Song song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp; quy định việc giám sát của người dân các tổ chức và giữa các cấp.

Đại biểu cũng cho biết, trong thời gian qua, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập là vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, do phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao nên mức trợ cấp đối với với các đối tượng này dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã còn thấp.

Vì vậy, để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, theo Kết luận 137-KL/TW năm 2025, đại biểu đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định; hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm