Không ép tiến độ để đảm bảo chất lượng chấm thi tốt nghiệp THPT
Sáng 3/7, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2025 ở tỉnh Ninh Bình.
![]() |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình sáng 3/7. Ảnh: Đình Tuệ. |
Sẵn sàng các phương án
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là tỉnh mới thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam từ ngày 1/7.
Quy mô kỳ thi của tỉnh Ninh Bình có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 46.667 thí sinh, trong đó có 1.141 thí sinh tự do (Chương trình GDPT 2018 là 45.896 em; Chương trình GDPT 2006 là 771 em).
Ban chấm thi số 2 của tỉnh Ninh Bình gồm khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận được bố trí tại Trường THPT Nguyễn Khuyến - phường Nam Định có đầy đủ các phòng làm việc, trang thiết bị bảo đảm đúng quy định, được lực lượng Công an tỉnh bảo vệ giám sát 24/24. Các phòng chấm thi, khu vực chấm thi trắc nghiệm có đủ camera theo quy định.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng động viên tinh thần các thầy cô tham gia chấm thi tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định, Ninh Bình). Ảnh: Đình Tuệ.
Sở GD&ĐT Ninh Bình đã chủ động rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các điều kiện về an ninh, an toàn phục vụ công tác làm phách bài thi, chấm thi, khu vực làm việc của Ban Thư ký đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng yêu cầu theo quy định của quy chế thi.
Về công tác chấm thi tự luận, bà Minh Nguyệt cho hay, khu vực chấm thi được bố trí đầy đủ hệ thống lưu điện, camera an ninh giám sát tất cả các phòng chấm, phòng làm việc của Ban Thư ký. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác chấm thi như văn phòng phẩm, thùng tôn chứa đồ dùng của giám khảo.
Sở GD&ĐT Ninh Bình thực hiện làm phách bài thi tự luận theo phương án đánh phách 1 vòng. Bố trí khu vực làm phách bài thi tại tầng 3 nhà B, Sở GD&ĐT Nam Định (cũ) với đầy đủ các điều kiện sinh hoạt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, có đầy đủ hệ thống máy tính, các trang thiết bị văn phòng phục vụ công tác làm phách bài thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các cán bộ làm công tác chấm thi cần tập trung làm tốt nhiệm vụ theo đúng quy chế. Ảnh: Đình Tuệ.
Công tác chấm thi trắc nghiệm: Bố trí hai hệ thống máy chủ, máy trạm riêng biệt để thực hiện chấm bài thi theo Chương trình GDPT 2006 và 2018, bao gồm hai máy chủ, 10 máy trạm, trong đó có hai máy dự phòng. Chuẩn bị đầy đủ máy quét, lưu điện, hệ thống camera, máy in, hệ thống mạng LAN… đảm bảo thực hiện việc chấm thi trắc nghiệm hoàn thành theo thời gian quy định.
"Tổng số cán bộ huy động chấm thi năm nay tại tỉnh Ninh Bình là 376 người bao gồm: 15 người Hội đồng thi, 32 người Ban làm phách, 36 người Ban Thư ký Hội đồng thi, 28 người Ban chấm thi tự luận cho Chương trình GDPT 2006, 31 người Ban chấm thi trắc nghiệm cho Chương trình GDPT 2006; Ban chấm thi cho Chương trình GDPT 2018 là 234 người" - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhấn mạnh.
Tuyệt đối không chủ quan
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra tại khu vực chấm thi trắc nghiệm. Ảnh: Đình Tuệ.
Sau khi sáp nhập tỉnh ngày 1/7/2025, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã kiện toàn Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình và các Ban của Hội đồng thi theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tiếp tục thực hiện các khâu tiếp theo của kỳ thi với một Hội đồng thi, nhiều Ban Chấm thi, Ban Làm phách, Ban Thư ký theo đúng quy chế thi và quy định hiện hành.
Qua trao đổi với lãnh đạo Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao công tác tổ chức chấm thi; trong đó có việc bố trí lực lượng công an, thanh tra đảm bảo an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện được duy trì và phối hợp các bộ phận rất nhuần nhuyễn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đình Tuệ.
Dù thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải đảm bảo phương châm 4 "tại chỗ" gồm: Chỉ đạo tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
"Chúng ta cần thống nhất chủ động, rõ về chế độ thông tin báo cáo, rõ đầu mối và rõ trách nhiệm. Không được ép tiến độ, đặc biệt là chấm tự luận vì sẽ kéo theo nguy cơ bị sai sót hoặc chấm nhầm điểm. Công tác chấm thi phải đúng quy định, đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh" - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình cần triển khai tốt công tác thanh tra, đảm bảo an ninh, an toàn để công tác chấm thi diễn ra đúng quy chế, quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác thông tin cũng phải nhanh, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho thí sinh.