SCMP: Tăng trưởng lao dốc, Trung Quốc có thể dùng tới "đòn hạt nhân" để vực dậy nền kinh tế
Theo SCMP, trong bối cảnh môi trường kinh tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt, Trung Quốc có thể sử dụng tới "đòn hạt nhân về kinh tế" - giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ - để đạt được lợi thế quan trọng.
Cụ thể, một nghiên cứu được công bố gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) lập luận rằng việc phá giá tiền tệ có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn và thúc đẩy Trung Quốc và các nước khác trong và ngoài châu Á thử nghiệm "loại vũ khí" gây tranh cãi này trong cuộc chiến tranh kinh tế.
Mặc dù logic kinh tế đằng sau chiến lược như vậy có vẻ hợp lý, nhưng nó có thể gây ra một loạt cuộc chiến tiền tệ giữa các quốc gia có tính cạnh tranh thương mại cao trong khu vực, làm tăng thêm những căng thẳng kinh tế hiện có do chủ nghĩa bảo hộ và sự phân mảnh chuỗi cung ứng tạo ra.
Phá giá tiền tệ luôn là một lựa chọn đầy hấp dẫn đối với bất kỳ quốc gia lớn nào phải đối mặt với tình trạng lượng cầu trong nước và bên ngoài trì trệ cũng như kinh tế trong giai đoạn giảm phát. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng hơn thế trong trường hợp của một cường quốc như Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia xuất khẩu lớn nhất.
Tuy nhiên, một vài nhà kinh tế có quan điểm rằng việc phá giá tiền tệ là con dao hai lưỡi. Nó có thể thúc đẩy khối lượng và giá trị xuất khẩu nhưng cũng tạo ra áp lực tăng đối với chi phí nhập khẩu và lạm phát, do đó làm mất đi một phần lợi ích.
Điều này có thể khiến nền kinh tế phá giá tiền tệ bị từ chối hoặc thậm chí khiến các đối tác thương mại quốc tế bức xúc mà không bù đắp được lợi ích thúc đẩy tăng trưởng. Một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với mối nguy hiểm như vậy nếu nước này phá giá đồng nội tệ.
Lựa chọn của Trung Quốc
Jesper Koll, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của các ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan Japan và Merrill Lynch Japan Securities, đã dự đoán rằng Trung Quốc có thể chọn phá giá đồng nhân dân tệ từ 20% đến 30% vào năm 2023 khi nước này phải vật lộn trước tình hình nhu cầu trong nước đang giảm sút và một môi trường kinh tế bên ngoài ngày càng khốc liệt hơn.
Tuy nhiên, giờ đây, ông Koll cho rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ "có nguy cơ gây ra sự phẫn nộ với các đối tác chiến lược của Trung Quốc ở Châu Á và Nam bán cầu, nhiều đối tác trong số đó đang có đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong các sản phẩm chính".
Ông Koll nói thêm rằng việc phá giá nhân dân tệ vào thời điểm này sẽ "không thực sự tạo niềm tin rằng một đồng tiền dự trữ toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc sẽ tốt hơn đồng USD của Mỹ". Cũng có lập luận rằng việc phá giá nhân dân tệ đáng kể có thể tạo ra ấn tượng về một cuộc chiến tiền tệ với đồng yên Nhật đang mất giá mạnh.
Nghiên cứu, do nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của IIF và những người khác soạn thảo, đã lập luận rằng "phá giá là một công cụ chính sách ít được sử dụng để khắc phục tình trạng tăng trưởng đang suy yếu". Chủ đề này hay bị hiểu lầm trong giới chính sách, và kết quả là nó không được coi là một lựa chọn kinh tế khả thi.
Một lý do chính là vì nhiều quốc gia xuất khẩu sử dụng đồng USD cho các hợp đồng thay vì đồng nội tệ, nên rất sai lầm khi cho rằng việc phá giá các đồng tiền sẽ không mang lại lợi ích gì. Báo cáo của IIF đã đưa ra vấn đề này sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi từ năm 1990.
Trong hầu hết các trường hợp, có sự gia tăng rõ ràng về tăng trưởng khối lượng xuất khẩu, tăng theo mức độ phá giá tiền tệ.
Xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề. Tháng trước, xuất khẩu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 cách đây 3 năm, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu đang gây áp lực ngày càng lớn lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc đưa ra các biện pháp kích thích mới. Dòng vốn chảy vào Trung Quốc dưới hình thức đầu tư kinh doanh cũng chịu áp lực.
Những diễn biến này có thể làm tăng sức hấp dẫn đối lựa chọn phá giá đồng nhân dân tệ với các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, tác động của bất kỳ động thái nào như vậy sẽ cần được cân nhắc cẩn thận với tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với các đối tác thương mại và đầu tư chính của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á. Nghiên cứu của IIF cũng thừa nhận rằng có một số mặt trái của việc phá giá tiền tệ và những mặt trái đó có thể gây thiệt hại lớn.