Kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao gây khó khăn cho nhiều phụ nữ Anh
Theo tờ FT, ngày càng nhiều phụ nữ Anh đang gặp khó vì lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
*Bài viết lược dịch từ bài đăng của tác giả Alexandra Heal và Anna Gross đăng tải trên tờ Financial Times ngày 7/12/2022.
Cô Tiffany (tên đã được thay đổi) đứng trước gương, vuốt tóc và tháo chiếc nhẫn cưới khỏi tay mình mà lòng như thắt lại.
Theo tờ Financial Times (FT), người phụ nữ từng làm công chức nhà nước này sau đó leo lên chiếc xe do chính chồng mình chở đến một khách sạn gần đó tại Cardiff-Anh. Cô Tiffany lướt qua quầy rượu và tìm kiếm “khách hàng” đã nhắn tin với mình. Điều trớ trêu là vị khách hàng này trông cũng lo lắng chẳng kém.
Vào buổi chiều hôm đó, Tiffany rời khách sạn với tâm trạng như trút bỏ được gánh nặng: “Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã giải quyết được khó khăn trước mắt và giữ được mái nhà cho gia đình. Tôi làm điều này vì gia đình, vì ngôi nhà và vì chồng tôi nữa”, cô Tiffany nói với FT.
Trường hợp của Tiffany chỉ là một trong vô số những phụ nữ tại Anh đang bị dồn đến chân tường trong thời buổi đen tối của nền kinh tế, qua đó buộc họ phải quay trở lại hoặc thậm chí là dấn thân vào con đường "buôn phấn bán hương".
Đây là kết luận của tờ FT sau khi phỏng vấn với 23 cô gái làm nghề "buôn phán bán hương" cũng như 14 tổ chức từ thiện cùng các tổ chức xã hội khác ở hàng loạt những thành phố như Manchester, Sheffield, Liverpool, Leicester, Wolverhampton và thủ đô London.
Trước đây, loại nghề nghiệp không được xã hội ủng hộ này thường được hình thành bởi những lý do chủ yếu như cần tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hay bị ép buộc bởi các tổ chức tội phạm. Tuy nhiên thời gian gần đây, lạm phát giữ ở mức 11% với rủi ro nền kinh tế đang lâm vào một cuộc khủng hoảng khiến chi phí sinh hoạt tăng cao đã đẩy nhiều phụ nữ vào con đường tệ nạn này.
Tờ FT cho biết thậm chí việc ngày càng nhiều phụ nữ "bán hoa" trong khi nhu cầu giảm do tình hình kinh tế chung không sáng sủa càng khiến mức độ nguy hiểm tăng cao do các cô gái sẽ phải hạ tiêu chuẩn để chấp nhận tranh giành khách. Theo FT, nhận định này được sự đồng tình của cả các cô gái làm trong các nhà thổ, khách sạn, tại gia với khách hàng hạng sang cho đến những phụ nữ đứng đường.
Việc ngày càng nhiều phụ nữ Anh hành nghề này đang khiến giới chính trị gia tranh cãi kịch liệt về biện pháp giải quyết. Anh là một trong số những nước hiếm hoi chưa cấm hoàn toàn mại dâm và đang có sự tranh cãi quanh việc nên hợp pháp hóa hay cấm hoàn toàn tệ nạn này.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng tệ nạn này không thể chấm dứt chỉ bằng một văn bản cấm. Tổ chức ONS ước tính “ngành” mại dâm đóng góp đến 4,7 tỷ Bảng cho GDP của Anh năm 2021 và 1/10 số nam giới tại nước này cho biết đã từng mua vui trong đời.
Tại Anh, ngành mại dâm được hợp pháp hóa nhưng những hoạt động liên quan như mở nhà chứa, ép các cô gái bán dâm, môi giới mại dâm lại bị cấm.
Quy định này vốn tồn tại trên khắp nước Anh cho đến tháng 6/2015 khi miền Bắc Ireland cấm hoàn toàn nghề mại dâm.
Trong khi đó ở Anh và xứ Wales, những khách hàng mua vui có thể bị bắt và phạt tiền nếu giao dịch với phụ nữ bị ép bán dâm, thậm chí ngay cả khi họ không biết cô ấy có bị ép buộc hay không.
Tuy nhiên cũng tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nhà chứa hoạt động ở thủ đô London hay thành phố Manchester dưới bóng "dịch vụ massage".
Trên thực tế, việc nhập nhằng giữa hợp pháp và không hợp pháp đã tạo nhiều điều kiện cho ngành mại dâm ở Anh phát triển. Người dân có quyền mua bán, trao đổi tình dục nhưng lại bị cấm đứng tìm khách trên phố, tổ chức môi giới hay mở nhà thổ.
Tổng số gái mại dâm tại Anh hiện chưa được xác định rõ do nhiều trường hợp hoạt động ngầm. Số liệu thống kê vào năm 2009 của các tổ chức phi chính phủ là khoảng 100.000 người. Đến năm 2015, con số này được ước tính là 72.800 người, trong đó 8% là nữ giới, 6% nam giới và 4% chuyển giới.
Bước sang thế kỷ 20, ngành mại dâm ở Anh vẫn gây nhiều tranh cãi và chưa được công nhận cho đến thế kỷ 21. Vào năm 2003, Bộ luật quản lý mại dâm được chính phủ Anh ban hành qua đó chấp nhận nghề bán thân này nhưng nghiêm cấm các hành vi môi giới, vận chuyển, tiếp tay có liên quan.
Thậm chí Hiệp hội mại dâm Anh (ECP) được thành lập vào năm 1975 nhằm bảo vệ quyền lợi cho những cô gái hành nghề, đấu tranh để được luật pháp bảo vệ và trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn.
Áp lực kinh tế
Tiffany lần đầu hành nghề vào 6 năm trước để thanh toán nợ thẻ tín dụng. Khi đó cô vốn là một công chức nhà nước nhưng bị sa thải.
Sau đó Tiffany sống dựa hoàn toàn vào cửa hàng kinh doanh nhỏ của chồng cho đến khi đại dịch Covid-19 làm đình chỉ mọi thứ. Tuy nhiên do sa sút về sức khỏe tinh thần nên người chồng không thể làm việc tiếp hậu dịch và Tiffany phải dành toàn thời gian chăm sóc gia đình.
Theo Tiffany, giá năng lượng và lương thực tăng trong khi các khoản nợ ngày một nhiều lên khiến gia đình cô khó lòng trụ được. Với lãi suất ngày một cao, Tiffany đang khá lo lắng về khoản lãi vay thế chấp mua nhà hàng tháng.
Đến tháng 9/2022, Tiffany nhận ra rằng việc "buôn phấn bán hương" là lựa chọn cuối cùng để gia đình cô có thể thanh toán các hóa đơn và giữ được mái nhà. Vậy là người phụ nữ ngoài 30 này phải quay trở lại với nghề cũ.
Bình quân mỗi tuần Tiffany kiếm được khoảng 1.000 Bảng, góp phần trang trải những tờ hóa đơn và các khoản nợ.
“Đây không phải là một nghề đáng tự hào gì. Thế nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì ít nhất có thể giúp đỡ được tình hình tài chính cho gia đình, sau đó tôi sẽ ngừng lại”, cô Tiffany cho biết.
Phỏng vấn của FT cho thấy 5/23 cô gái bán dâm đã quay trở lại hoạt động vào năm 2022 sau nhiều năm nghỉ hưu do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trong khi đó, nghiên cứu của FT với 21.000 hồ sơ mại dâm tại Anh dựa trên số liệu của Adultwork.com cho thấy lượng gái mại dâm gia nhập ngành hiện này nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Hiện vẫn chưa rõ số liệu này phản ánh chỉ gái mại dâm liên hệ qua quảng cáo trực tuyến hay là số lượng tổng thể.
Đồng quan điểm, quản lý Leanne Harper của tổ chức bảo vệ gái mại dâm “Changing Lives” chi nhánh Wolverhampton cho biết lượng phụ nữ tham gia mảng này đang tăng chóng mặt trong năm nay, cho dù là qua các ứng dụng trực tuyến hay đứng đường.
Một tổ chức bảo vệ quyền lợi gái mại dâm khác là “The English Collective of Prostitutes”, vốn thường xuyên làm việc với các nhà thổ, cho biết lượng phụ nữ xin ý kiến của họ về việc có nên quay trở lại nghề này đang tăng mạnh, kể cả những bà mẹ đã có con, có công việc văn phòng cũng muốn kiếm thêm tiền thanh toán hóa đơn hay mua đồng phục cho năm học mới.
“Chúng tôi thậm chí gặp cả những phụ nữ đã bỏ nghề hơn 10 năm nay. Rất nhiều trong số họ đã ổn định được cuộc sống nhưng phải quay lại nghề này để có tiền thanh toán điện nước, khí đốt sưởi ấm... Thật đáng buồn là nếu quay lại thì cơ hội ra khỏi ngành một lần nữa rất nhỏ, đó là chưa kể nhiều người còn bắt đầu dính dáng đến chất gây nghiện”, quản lý Rosie Peers của dự án “Opportunities Project” ngậm ngùi.
Trong khoảng tháng 7-9/2022, dự án Opportunities Project đã có 369 lần tư vấn cho các phụ nữ tại Anh, cao hơn nhiều so với 198 lần cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, tổ chức “Manchester Action on Street Health” cũng cho biết đã có đến 310 trường hợp sử dụng dịch vụ của họ trong 12 tháng tính đến tháng 9/2022, cao hơn nhiều so với 179 trường hợp cùng kỳ năm 2020.
Ngày càng nguy hiểm
Tờ FT cho biết tình hình kinh tế xuống dốc khiến nhu cầu của "khách mua vui" đi xuống, buộc các cô gái ngành phải hạ thấp tiêu chuẩn để kiếm hoặc giữ khách, dẫn đến tình trạng gia tăng nguy hiểm. Những vụ việc như cướp tiền sau khi hành sự, cưỡng bức, hành hung cùng vô số hành vi tội ác khác đang ngày càng gia tăng trên thị trường mại dâm Anh.
Cô Jodie (đã đổi tên), một phụ nữ 52 tuổi đã hành nghề được 30 năm cho biết mình giờ đây chỉ tiếp khách tại nhà và đang phải giảm giá.
“Họ cố gắng thương lượng giảm giá nhưng tôi cũng thông cảm bởi hiện nay khách hàng cũng đang phải vật lộn như chúng tôi thôi”, cô Jodie nói với tờ FT.
Việc giảm thu nhập cũng như nhu cầu đang khiến ngày càng nhiều gái bán dâm chấp nhận cả những khách hàng có đòi hỏi nguy hiểm, điều mà trước đây họ sẽ từ chối.
Cô Audrey Caradonna, người phát ngôn của tổ chức bảo vệ phụ nữ “United Sex Workers”, cho biết mình từng chỉ tiếp khách tại gia nhưng cách đây vài tháng đã phải xin làm ở một nhà thổ để giữ thu nhập. Nếu trước đây cô chỉ tiếp khoảng 3 khách tại gia thì giờ đây phải tiếp 8-10 khách, kể cả những người có đòi hỏi khó chịu.
“Chúng tôi luôn đi trên lằn ranh mỏng giữa an toàn và nguy hiểm khi hành nghề này”, cô Jacqueline, một gái mại dâm làm việc tại nhà thổ ở Glasgow-Anh nói.
“Hãy tìm giải pháp cho sự đói nghèo, quyền của phụ nữ, thu nhập của nữ giới, các bà mẹ đơn thân và tình hình tài chính của họ thay vì chỉ tranh cãi về mại dâm”, cô Julie Swede, người bị ép hành nghề từ năm 15 tuổi bởi tổ chức tội phạm và nay đang vận động cho dự án Nordic bảo vệ các cô gái ngành bức xúc.