Indonesia "mạnh tay" với "hàng thùng" để bảo vệ ngành may mặc
Theo Straits Times, Indonesia cắt giảm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng vì mức giá thấp của chúng khiến các nhà sản xuất địa phương không bán được hàng.
Từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, nhà văn tự do Anindya Miriati Hasanah, 25 tuổi, sống tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã yêu thích quần áo cũ (còn gọi là hàng thùng).
Quần áo cũ là mặt hàng được ưa chuộng
Từng ghé thăm các cửa hàng đồ cũ trên khắp Jakarta, giờ đây Anindya tiếp tục săn lùng những món hời tại các cửa hàng đồ cũ trực tuyến trên Instagram. Đối với Anindya, mua hàng giống như một cuộc săn tìm kho báu.
Hai hoặc ba tháng một lần, Anindya mua những chiếc váy Lolita yêu thích của mình, chỉ từ 50.000 rupiah đến 500.000 rupiah cho mỗi chiếc.
"Nếu tôi mua quần áo mới, giá rất đắt. Đó là lý do tại sao tôi thích mua đồ cũ có chất lượng tốt hơn," Anindya nói. Là một tín đồ thời trang Nhật Bản, Anindya cũng bày tỏ: "Quần áo thể hiện phong cách cá nhân của chúng ta. Rất khó để tìm thấy thời trang Nhật Bản được sản xuất tại địa phương."
Một cư dân Jakarta khác, người phụ nữ nội trợ Ghea Askara, cũng thường mua quần áo cũ, đặc biệt là đồ của Nhật Bản và Hàn Quốc vì bà thích kiểu dáng độc đáo của họ.
"Họ có những sản phẩm mà chúng tôi không có ở địa phương," bà mẹ hai con 38 tuổi cho biết. Là người có lối sống hướng đến sự bền vững, Ghea thường sửa quần áo, chẳng hạn như chuyển một chiếc quần bò thành váy, để kéo dài vòng đời của chúng.
Nhờ những khách hàng như cô Anindya và cô Ghea, hoạt động kinh doanh quần áo cũ của Indonesia đang phát triển mạnh mẽ. Và sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số cũng đang mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng hơn.
Ngành may mặc nội địa Indonesia gặp khó khăn
Tại Indonesia, quần áo cũ từ nước ngoài đã là một mặt hàng kinh doanh suốt nhiều năm qua. Năm 2015, Bộ Thương mại Indonesia ban hành quy định cấm nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, văn bản không quy định bất kỳ hình phạt nào đối với các hành vi vi phạm. Vì vậy, quy định này chưa được thực thi hiệu quả.
Việc các mặt hàng đồ cũ tràn ngập đang làm đau đầu chính phủ và ngành dệt may Indonesia, vốn đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, quần áo cũ được nhập khẩu hợp pháp vào nước này trị giá 272.146 USD vào năm 2022, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nandi Herdiaman, Chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất quần áo gia đình, với 500 thành viên, cho biết lượng quần áo cũ nhập khẩu ồ ạt đã ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất địa phương cung cấp cho các chợ truyền thống và nhà bán lẻ.
Ông Nandi cho biết, các đơn đặt hàng sản xuất quần áo mới trước dịp lễ Hari Raya Aidilfitri đã giảm mạnh. "Hệ lụy đã thấy rõ. Các công ty may quần áo gia đình từng sản xuất cho một số thương hiệu thì nay chỉ thực hiện các đơn đặt hàng may đồng phục công chức," ông lưu ý.
Các nhà cung cấp nguyên liệu thô cho hoạt động may mặc cũng đang cảm nhận rõ sự khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia Jemmy Kartiwa Sastraatmaja cho biết, số lượng đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất quần áo vừa và nhỏ giảm đi đã dẫn đến việc mua nguyên liệu thô cũng giảm đi.
"Các nhà máy sản xuất sợi, sợi filament, cùng nhiều nguyên liệu khác ở phía thượng nguồn cũng phải cắt giảm hoạt động," ông nói thêm.
Vào giữa tháng 3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng siết chặt việc nhập khẩu quần áo cũ vì nó "gây khó khăn" cho ngành dệt may địa phương.
Bộ Thương mại nước này cũng đã tăng cường kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy khoảng 20 tỷ rupiah quần áo đã qua sử dụng ở một số khu vực, bao gồm Mojokerto, Đông Java và Pekanbaru, Riau.
Tuy nhiên, tại nhiều nơi, hoạt động kinh doanh mặt hàng này vẫn diễn ra bình thường, như tại Chợ Senen của Jakarta – nơi nổi tiếng với quần áo, giày dép và túi xách đã qua sử dụng. Quần áo cũ, chủ yếu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, được bán với giá chỉ 5.000 rupiah.
Một người bán quần áo cũ được 3 năm chia sẻ, lợi nhuận từ công việc này khá cao và ông có thể thoải mái trang trải tiền thuê nhà và chi phí hoạt động khác.
Ông thường mua một lô hàng số lượng lớn trị giá từ 3 triệu - 10 triệu rupiah, bao gồm 100 đến 500 chiếc quần áo cũ từ nước ngoài. Sau đó ông phân loại trước khi gửi đến một cửa hàng giặt là.
3/4 lô hàng có thể được bán với giá từ 35.000 rupiah đến 100.000 rupiah/chiếc tại gian hàng rộng 3,5 m2 của ông. Trong khi phần còn lại được bán cho các nhà cung cấp khác với giá thấp hơn.
"Tại đây, khách hàng của tôi có thể nhận được hàng hóa mà họ muốn với mức giá họ có thể trang trải được. Họ cảm thấy hài lòng," ông nói.
Về phía khách hàng, Anindya hiểu được quyết định mua hàng của mình có thể có tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất địa phương. "Nhưng nếu quần áo do các nhà sản xuất Indonesia làm ra không phù hợp với nhu cầu của chúng tôi thì tại sao chúng tôi phải mua chúng?", Anindya bày tỏ.