Đề xuất hình thành khu công nghiệp hóa chất tập trung
Một chiếc xe ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng đến 80% phải nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước, nhưng chủ yếu là chi tiết cồng kềnh, đơn giản.
Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, tổng sản lượng công nghiệp hóa chất hàng năm chiếm khoảng 10 - 11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu sản phẩm hóa chất đều tăng qua các năm, trong đó, năm 2020 bằng 186% giá trị xuất khẩu của năm 2015, chiếm khoảng 3,8 - 4,2% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng khoảng 13 - 14% toàn ngành công nghiệp.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam sẽ gồm 10 phân ngành gồm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó, chiến lược tập trung vào phát triển một số phân ngành quan trọng như phân bón, hóa dầu, hóa chất cơ bản, cao su, khí công nghiệp; sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô.
Quy hoạch của chiến lược dự kiến hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn để thu hút dự án sản xuất, sử dụng lượng lớn hóa chất cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác; trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông. Chiến lược cũng sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân vào trong lĩnh vực hóa chất, đặc biệt, đối với các dự án FDI và chỉ tiếp nhận những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Việc đề xuất hình thành khu công nghiệp hóa chất tập trung là một trong những giải pháp đột phá của chiến lược, bởi từ trước đến nay, hóa chất vẫn là ngành bị đánh giá tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương e ngại cấp phép cho những dự án hóa chất đơn lẻ. Nếu chiến lược được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng khung khổ pháp lý và xúc tiến tìm kiếm nguồn đầu tư cho ngành công nghiệp hóa chất. Hiện, đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận ủng hộ và có kế hoạch đưa việc sử dụng đất cho các dự án công nghiệp hóa chất vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.