A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

QLTT Hà Giang: Góp phần ổn định thị trường phát triển lành mạnh

Năm 2022, lực lượng quản lý thị trường Hà Giang đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, tham gia tố giác các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường phát triển lành mạnh.

 Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang, ông Vũ Quốc Khánh - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đặc thù thị trường tỉnh Hà Giang chủ yếu là các hoạt động kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa; không có các khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất lớn. Bên cạnh đó, khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nước bạn xây dựng hàng rào, đóng cửa không giao thương tại các khu vực đường mòn, lối mở, chợ biên giới. Do vậy, hoạt động buôn bán, tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... diễn biến không phức tạp.

Từ đầu quý II/2022 về cuối năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc do tổ chức nhiều sự kiện du lịch như: “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII, “Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VIII”… Các sự kiện này đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan du lịch.

Trong bối cảnh đó, lực lượng QLTT Hà Giang đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn, nhất là dịp “Tháng hành động về an toàn thực phẩm”, tết Trung thu; tết Nguyên đán, các dịp lễ hội do tỉnh tổ chức... Mục tiêu là ngăn chặn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, “chặt chém” du khách, ngăn ngừa nguy cơ làm tổn hại đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh. 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, theo sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, của UBND tỉnh Hà Giang và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng pháo nổ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, mũ bảo hiểm, thuốc tân dược, sách giả bán trên nền tảng xã hội và các sàn thương mại điện tử...

Đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389, Cục QLTT đã chủ động tham mưu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn qua biên giới, cửa khẩu; kiểm tra, xử lý chất lượng mặt hàng xăng dầu; nhập khẩu và kinh doanh cá tầm…

Trong năm 2022, QLTT Hà Giang đã kiểm tra 1.169 vụ, tăng 98 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Xử lý 912 vụ, tăng 175 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,6 tỷ đồng, tăng gần 400 triệu đồng so với năm 2021. Trị giá tang vật hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu trên 554 triệu đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hoặc biện pháp khác gần 2,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được QLTT Hà Giang coi trọng với nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua loa đài phát thanh tại các chợ trung tâm xã ở vùng sâu, vùng xa; phát tờ rơi tại các trung tâm mua bán, siêu thị, cửa hàng, đại lý, các chợ.… Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác nhận biết hàng thật, hàng giả, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong công tác tuyên truyền, Cục QLTT Hà Giang đã chú trọng tổ chức gian hàng trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Bên cạnh đó là công tác tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, lãnh đạo xã; vận động 1.155 cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với nhiều giải pháp đồng bộ, Cục QLTT Hà Giang đã quản lý tốt địa bàn, góp phần ổn định thị trường phát triển lành mạnh.

 Lực lượng chức năng QLTT Hà Giang kiểm tra, phát hiện tại hộ kinh doanh Tạ Thị Phiện địa chỉ Tổ 9 Thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang 158 đơn vị sản phẩm (122 kg) gồm Xúc xích, chả viên, chả cá, Bánh khoai mon, thịt, chân, cánh gà, gà muối tiêu, gói gia vị lẩu, đậu xị không rõ nguồn gốc.

Ông Vũ Quốc Khánh - Quyền Cục trưởng Cục QLTT cho biết thêm, phát huy những thành tích đã đạt được của năm 2022, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, Cục QLTT tỉnh Hà Giang sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hà Giang và của Tổng cục QLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Kế hoạch của Bộ Công Thương và của Tổng cục QLTT về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025...

Toàn Cục sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, mặt hàng, không để xảy ra, phát sinh, hình thành các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý. Trọng tâm là kiểm tra các sản phẩm/nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương gồm: bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc y học cổ truyền; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật...; công tác phòng chống dịch… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn, Cục QLTT Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa và tố giác các hành vi vi phạm; vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các cấp và các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm xử lý nghiêm các vấn đề, vụ việc phát sinh, nổi cộm được phát hiện và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả và gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm