A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển trung tâm tài chính quốc tế là bước đi tầm chiến lược

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào 5 nhóm việc để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, quan trọng nhất là hoàn thiện hạ tầng pháp lý và cơ chế chính sách ưu đãi theo hướng thông thoáng, cởi mở, minh bạch và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chiều 16/1, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam”. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam chủ trì hội thảo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

5 nhóm việc để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

Tham gia chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, hội thảo, nhằm giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó có trung tâm tài chính TP Đà Nẵng.

Đồng thời, hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư chiến lược, tổ chức, định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty tư vấn, cơ sở đào tạo cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về cơ chế chính sách đặc thù để trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển.

Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo Kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Kết luận nêu rõ sẽ thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.

Ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh dangnang.gov)
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh dangnang.gov)

Theo Nghị quyết này, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ được xây dựng tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Việc xây dựng trung tâm tài chính được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời, tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là “cú hích” mạnh đối với nền kinh tế đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cảm ơn các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra những nhận định chính xác, nghiên cứu thiết thực và có nhiều gợi mở rất quan trọng trong việc nghiên cứu hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quốc tế để quyết tâm hình thành và phát triển trung tâm tài chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trung tâm tài chính là một bước đi mang tầm chiến lược. Khó nhưng vẫn phải đi, không đi không thể đến đích, có thể có những vấp váp nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin rằng với sự hỗ trợ của các cộng đồng quốc tế thì chắc chắn sẽ vượt qua.

Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” tổ chức tại TP Đà Nẵng
Toàn cảnh hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” tổ chức tại TP Đà Nẵng

Phó Thủ tướng đề nghị bám sát năm vấn đề trong quá trình hình thành, phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Thứ nhất là pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi; thứ hai là nhân lực; thứ ba là hạ tầng công nghệ thông tin, môi trường sống, làm việc và một hệ sinh thái kinh tế hậu thuẫn cho trung tâm tài chính; thứ tư là phải lựa chọn hướng đi độc đáo, đặc thù của Việt Nam cùng các giải pháp liên quan.

Hướng đi phải hấp dẫn, như các chuyên gia đã gợi ý là tài chính xanh, fintech, sở hữu trí tuệ, bảo hiểm… Thứ năm là chú trọng truyền thông lan tỏa, tăng cường kết nối với các trung tâm tài chính khác.

Về nhân lực, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần sớm đào tạo, cử chuyên gia đi học hỏi thực tiễn thế giới để đảm bảo cung cấp đủ đội ngũ các chuyên gia quản trị, vận hành, xử lý rủi ro, giải quyết tranh chấp trong các trung tâm tài chính.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ các Trung tâm tài chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ đạo phải lựa chọn định hướng phát triển đúng đắn ngay từ đầu, phù hợp với điều kiện và định hướng của Việt Nam như phát triển Fintech, Blockchain…

Qua hội thảo này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong kết nối, kêu gọi, thu hút đầu tư, sớm hình thành và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Chọn hướng đi độc đáo, đặc thù

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thực sự đưa đất nước chuyển mình, hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030 và 2045, chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong quá trình chuẩn bị các điều kiện nền tảng cho việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính theo bước đi, lộ trình phù hợp.

Việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng Trung tâm Tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế.

Với định hướng phát triển theo hướng kết hợp, tinh thần không cầu toàn, không bỏ lỡ cơ hội cùng nguyên tắc xuyên suốt phải là “sân chơi” của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung tương thích với thông lệ quốc tế (cơ chế vận hành, phát triển các hệ sinh thái, ưu đãi…) nhưng đồng thời, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, ưu tiên chủ quyền, đặt lợi ích quốc gia là trên hết.

Để chuẩn bị cho Trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã bố trí 2 quỹ đất sạch với diện tích lần lượt là 6,17 ha và 9,7 ha, với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam
Để chuẩn bị cho Trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã bố trí 2 quỹ đất sạch diện tích lần lượt là 6,17ha và 9,7ha, với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam

Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, để hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi phải bảo đảm hạ tầng và nhân lực được đầu tư thỏa đáng và có sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách.

Trước mắt, Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích.

Đà Nẵng cũng bố trí khu đất 9,7ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu công viên phần mềm số 2 - một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin chất lượng cao.

Trong dài hạn, theo nhu cầu phát triển Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62ha để hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư phát triển hạ tầng trung tâm tài chính và thu hút các nhà đầu tư khác vào hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp năng lượng và các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh.

Về phía TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam; là thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech).

Thành phố cũng có lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ, tay nghề cao với mức chi phí rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm đặc thù cho trung tâm tài chính quốc tế.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, cũng như vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới.

Ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ về những thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố
Ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ về những thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố

Từ lợi thế của quốc gia và lợi thế các địa phương, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau phát triển các trung tâm tài chính trong tương lai.

Theo các chuyên gia, để xây dựng Trung tâm Tài chính thì Việt Nam cần cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính…) và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ (và cả hàng hoá), ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do đó, khung pháp lý áp dụng cho Trung tâm Tài chính sẽ khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành nên các cơ chế, chính sách này cần được thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn không gian địa lý xác định, bao gồm: TP Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện tại khu vực Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; TP Đà Nẵng đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các Lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và Lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại Khu Công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62ha.

Ngoài ra, phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7ha. Các khu vực nêu trên được xác định là không gian lõi, được tập trung nguồn lực phát triển Trung tâm Tài chính, có thể được điều chỉnh mở rộng theo từng giai đoạn.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm