Phát triển du lịch xanh để tăng trưởng bền vững
Phát triển du lịch xanh là phương thức quan trọng để phát triển du lịch bền vững, đã được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu…
Thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh. Tiêu biểu phải nói tới Hội An, Quảng Nam, đã chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”; huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch...
Chủ đề du lịch xanh cũng được lựa chọn trong các sự kiện du lịch có quy mô quốc gia như: Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Năm Du lịch quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện, an toàn cho sức khỏe đã tiếp tục khẳng định nỗ lực cũng như quan điểm nhất quán của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau là một trong nhiều địa phương tập trung phát triển du lịch xanh với nhiều mô hình gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên... Ảnh: Mạnh Linh |
Tại Diễn đàn Phát triển du lịch xanh Việt Nam năm 2023 với chủ đề “tăng trưởng xanh và bền vững” được tổ chức vào trung tuần tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương cho biết, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững. Với tiềm năng to lớn, Việt Nam có quyết tâm và đang vững bước trên con đường trở thành điểm đến du lịch hàng đầu…
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch, Bộ VHTT&DL, phát triển du lịch xanh cần quan tâm 3 nội dung cơ bản. Đó là: (1) quản lý du lịch xanh: Cần có thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch xanh; (2) phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh: Các cơ sở kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; (3) tiêu dùng du lịch xanh: Khách du lịch có ý thức lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, lựa chọn điểm đến xanh; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường khi đi du lịch.
Để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là rất cần thiết. Phát triển du lịch cần dựa trên nền tảng tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…
Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Ảnh: Mạnh Linh |
Ngoài ra, cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp - nông thôn, du lịch khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe. Các địa phương và doanh nghiệp, trong quá trình phát triển và kinh doanh du lịch, cũng cần phải tính đến bài toán “xanh hóa” và “bền vững hóa” các hoạt động du lịch, trên cơ sở gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tạo không gian và môi trường du lịch “xanh - sang - sạch - đẹp”…
TS Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và du lịch bền vững. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; không xả rác bừa bãi; hạn chế dụng các sản phẩm dùng một lần; chung tay dọn rác tại khu, điểm du lịch.
Đặc biệt, cần kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức các dự án du lịch xanh nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng. Cùng với đó, có chế tài xử phạt nặng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường du lịch… Có hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có sáng kiến và nhiều cống hiến trong phát triển du lịch xanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh…
Năm 2023, ngành Du lịch gặp không ít khó khăn, thách thức, đại dịch Covid-19 đã đi qua nhưng còn gây hậu quả nặng nề, chiến tranh, xung đột nổ ra ở một số nơi trên thế giới, tình hình kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Du lịch của nước ta. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, vượt qua khó khăn, tình hình du lịch thời gian qua đã có những khởi sắc. Tính đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Đây là điểm sáng, đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. |