A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy thuận lợi để phát triển bền vững ngành Tôm Việt Nam

Ngành Tôm hiện đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản. Việt Nam hiện đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 3 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới… Hiện nay, việc phát huy những thuận lợi, lợi thế hiện có để phát triển bền vững ngành Tôm Việt Nam đang được Chính phủ và doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Article thumbnail
Phát huy thuận lợi để phát triển bền vững ngành Tôm Việt Nam. Ảnh: A.X

Việt Nam đang là nước đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hàng năm, ngành Tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 đã lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động…

Việt Nam đang là nước đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Ảnh: A.X 

Tôm nước lợ hiện đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta, gồm 2 loài tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ 20). Từ năm 1998, tôm chân trắng bắt đầu được du nhập Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.

Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 phê duyệt Chương trình Phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010, Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Những chính sách này có tầm quan trọng đặc biệt, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ sau 10 năm thực hiện Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg và Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP, diện tích nuôi tôm đã tăng từ 228.610ha lên 644.310ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97,628 tấn lên 463.788 tấn (gấp 4,5 lần). Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu...

Giai đoạn 2010 - 2022, diện tích nuôi tôm tăng bình quân 1,2%/năm (tăng từ 644.310ha lên 737.000ha).

 Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước của Công ty GrowMax giúp người nuôi tôm giảm xả thải ra môi trường. Ảnh: A.X

Cục Thủy sản cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản quản lý, chính sách khuyến khích phát triển ngành Tôm Việt Nam được xây dựng khá đầy đủ, toàn diện. Ngành Tôm Việt Nam đến nay đã khai thác được tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên theo từng vùng sinh thái để tổ chức sản xuất mang lại kết quả to lớn về giá trị kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, diện tích thả nuôi duy trì ổn định tương đối, phát triển tại một số vùng chuyển đổi (nhiễm mặn).

Bên cạnh đó, đã hình thành các vùng nuôi trọng điểm theo nhóm đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, chuyển hướng rõ rệt theo hình thức và quy mô sản xuất công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị. Sản phẩm tôm phục vụ xuất khẩu nhìn chung đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Nhiều mô hình nuôi mới thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cho người dân, đặc biệt là khu vực ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, kết hợp với nhập công nghệ mới vào sản xuất giống, nuôi thương phẩm, sản xuất thức ăn, thuốc, hoá chất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, và giảm rủi ro trong sản xuất. Nhiều khu vực đã áp dụng kỹ thuật cao, hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Áp dụng được nhiều mô hình quản lý tiên tiến, gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thời gian tới, ngành Tôm Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đối với sản xuất giống, cần phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, tôm bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng nhanh phục vụ nuôi tôm thâm canh...

Đối với nuôi tôm thương phẩm, cần áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất; đa dạng hóa các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế thì ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát được nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xi măng, ao lót bạt. Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ thì ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa. Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh cải tiến.

Bên cạnh đó, cần phát triển các hình thức nuôi tôm thương phẩm khác nhau, áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến... gắn với bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn bệnh dịch và quan trắc môi trường trong chuỗi tôm. Nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh và nuôi tôm thương phẩm…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm