A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Trị: Hướng đi nào cho kinh tế ban đêm

Hiện nay, kinh tế ban đêm (KTBĐ) đang dần trở thành một trong những động lực tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh cả truyền thống và phi truyền thống. Từ đó, đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Article thumbnail
Quảng Trị vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm chưa được đánh thức. Ảnh: Minh Tân

Nhiều mô hình kinh tế ban đêm chết yểu

Kinh tế ban đêm (KTBĐ) hay kinh tế đêm (night economy) không còn xa lạ với những thành phố lớn cũng như được xem là một trong những hình ảnh phản chiếu quan trọng về sự năng động của nền kinh tế. KTBĐ bao gồm các hoạt động chính, như: Giải trí ban đêm (hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện), du lịch ban đêm (hoạt động ở các địa điểm tập trung khách du lịch), dịch vụ ẩm thực ban đêm (nhà hàng, quán bar…) và các hoạt động mua sắm (chợ đêm, khu mua sắm, thương mại…).

Hiện nay, KTBĐ đang dần trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh cả truyền thống và phi truyền thống. Từ đó, đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. KTBĐ giúp gia tăng các hoạt động kinh tế nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Đối với tỉnh Quảng Trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2022 đạt 6,58%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng là 46,99%. Tuy vậy, khái niệm về phát triển KTBĐ đối với Quảng Trị còn khá mới mẻ và chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Điều mà dễ nhận thấy là khi có thể thấy đa phần các cửa hàng chủ yếu là ẩm thực, mua sắm trên địa bàn tỉnh đều đóng cửa trước 22-23 giờ.

Mô hình chợ đêm Đông Hà nhằm thu hút khách du lịch, người dân vào ban đêm, nhưng vì nhiều lí do nên dang dở và bỏ hoang thời gian qua. Ảnh: Minh Tân

Khi các mô hình chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực đêm… đã hình thành và phát triển khá tốt ở các thành phố lớn hoặc kể cả tỉnh, thành phố lân cận như Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng thì Quảng Trị cũng mới bắt đầu xây dựng mô hình này. Tuy nhiên, hoạt động chưa được bao lâu thì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động thiếu sự đa dạng, chưa đủ sức hấp dẫn cũng như nhiều nguyên nhân khác đã khiến các mô hình này chết yểu dần.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thí điểm du lịch về đêm tại các điểm đến như: Thành cổ Quảng Trị, bến thả hoa sông Thạch Hãn, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… mang lại những sắc thái mới mẻ và những trải nghiệm mới lạ với du khách, dù vậy cũng chưa được tổ chức thường xuyên.

Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch giai đoạn 2016-2022 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9,3 triệu lượt khách, doanh thu từ khách du lịch giai đoạn này là trên 8.300 tỷ đồng. Tính riêng trong giai đoạn 2016-2019, tổng lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm 23%/năm. Tuy nhiên đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến tổng thu từ khách du lịch giảm, chiếm tỷ trọng 1,02% GRDP toàn tỉnh.

14.800 tỷ đồng thực hiện đề án

Dù vậy, du lịch Quảng Trị, đặc biệt KTBĐ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển-đảo, ẩm thực phong phú...

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ về đêm của người dân ngày càng tăng cao như tham gia vào các khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng… nhưng thiếu các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm cho người dân và khách du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhận định, phát triển KTBĐ phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thì việc nghiên cứu và xây dựng Đề án “Phát triển KTBĐ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030” là cần thiết. Từ đó, đề án đã đưa ra những mục tiêu thực hiện quyết tâm rất lớn để hiện thực hóa tiềm năng KTBĐ của tỉnh Quảng Trị.

 Nhiều điểm du lịch Quảng Trị đang xây dựng các mô hình, sản phẩm độc đáo nhằm thu hút khách du lịch vào ban đêm. Ảnh: Minh Tân

Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm. Từ đó, nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày, phát triển KTBĐ để bổ trợ cho các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Kinh phí thực hiện đề án là 14.800 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước 100 tỷ đồng, xã hội hóa 14.700 tỷ đồng… Trong đó, kêu gọi dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí tại công viên sinh thái Cọ Dầu: 2.000 tỷ đồng, Trung tâm Dịch vụ biên mậu Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo: 1.000 tỷ đồng, Tổ hợp Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh: 4.000 tỷ đồng… cùng nhiều hoạt động du lịch, văn hóa, dịch vụ. Đến năm 2030, Quảng Trị phấn đấu thu hút 2 triệu lượt khách du lịch tham gia KTBĐ.

Dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng với đề án này, bức tranh KTBĐ của tỉnh Quảng Trị đã được phác thảo một cách rõ nét với những giai đoạn phát triển, đầu tư có hệ thống, bài bản. Tuy nhiên, từ đề án đến hiện thực còn là bài toán lâu dài. Với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đêm đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch đêm vốn có. Hi vọng, trong tương lai không xa, KTBĐ của tỉnh Quảng Trị sẽ định hình và phát triển, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm