A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên theo hướng liên kết vùng trong giao thông vận tải

Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, như: du lịch tự nhiên, du lịch nhân văn và du lịch lịch sử. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân. Bài viết đánh giá thực trạng du lịch của tỉnh Điện Biên theo hướng liên kết vùng trong giao thông vận tải, từ đó đưa ra giải pháp phát triển thời gian tới.

Từ khóa: du lịch, liên kết vùng, Điện Biên

Summary

Dien Bien is a province with much potential for tourism development, such as: natural tourism, humanistic tourism and historical tourism. However, in recent times, the province's tourism industry has not developed commensurate with its potential due to many reasons. This article evaluates the current state of tourism in Dien Bien province towards regional linkage in transportation, thereby proposing some solutions for development in the coming time.

Keywords: tourism, regional linkages, Dien Bien

ĐẶT VẤN ĐỀ

Điện Biên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng, như: du lịch tự nhiên, du lịch nhân văn và du lịch lịch sử (hồ Pá Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, Tháp Mường Luân, Thành Tam Vạn…). Đặc biệt, với cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển du lịch.

Trong 5 năm, giai đoạn từ 2016-2020, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch. Sang giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu đón trên 5,4 triệu lượt, trong năm 2025 phấn đấu đạt 1,45 triệu lượt. Con số này mặc dù đã là ấn tượng so với giai đoạn 2011-2015 (khoảng 1,5 triệu lượt), nhưng lại rất khiêm tốn nếu so sánh với tỉnh Sơn La trên cùng tuyến giao lưu kinh tế quốc lộ 6 (QL.6): Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sơn La đón hơn 18 triệu lượt khách[1] và chỉ trong năm 2022 đã đón 3,2 triệu lượt khách, bằng cả giai đoạn trước của Điện Biên. Điều đáng nói là 2 tỉnh có điều kiện địa hình địa mạo, tính đa dạng văn hóa khá tương đồng, thậm chí tiềm năng du lịch lịch sử của Điện Biên còn có phần nổi trội hơn. Để khắc phục được phần nào tình trạng này, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 345/QĐ-UBND, ngày 03/3/2023).

Đề án cũng đã tổng kết được một số nguyên nhân khiến du lịch tỉnh Điện Biên chưa đạt như kỳ vọng, như: cơ sở vật chất chưa phát triển đồng bộ, chưa có nhiều nhà đầu tư lớn tiềm lực mạnh, nguồn nhân lực còn hạn chế và yếu, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt đã nêu được 2 nguyên nhân hệ thống giao thông chưa thuận lợi và du lịch chưa mang tính liên kết vùng. Tuy nhiên, Đề án lại chưa phân tích cụ thể về nguyên nhân chính của việc du lịch tỉnh Điện Biên đang phát triển chưa xứng với tiềm năng là do điều kiện liên kết vùng còn rất yếu, cụ thể là Điện Biên nằm ở cuối chuỗi đô thị trên tuyến QL.6. Nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích sâu hơn về nguyên nhân trên.

PHÂN TÍCH LIÊN KẾT VÙNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐIỆN BIÊN

Về liên kết vùng của Điện Biên đối với các tỉnh quanh lưu vực sông Đà

Trên bình diện liên kết vùng, khu vực Tây Bắc Tổ quốc đang chia thành hai nửa riêng biệt ở phía Bắc và phía Nam lưu vực sông Đà. Hai nửa này có đời sống kinh tế - xã hội gần như tách biệt với nhau, càng lên phía thượng nguồn thì sự tương hỗ giữa hai nửa này càng yếu đi rõ rệt, đây chính là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Cụ thể, nửa phía Bắc của lưu vực sông Đà gồm 5 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc có trục liên kết vùng chính là cao tốc Nội Bài - Lào Cai (CT.05), tuyến giao thông này đang là động lực phát triển chính của vùng, tạo khoảng cách ngày một xa so với nửa còn lại ở phía Nam lưu vực, GRDP năm 2022 của các tỉnh phía Bắc lưu vực sông Đà lên đến 317.800 tỷ đồng, gấp gần 4 lần GRDP phía Nam lưu vực sông Đà chỉ là 80.960 tỷ đồng. Không những chênh lệch rõ rệt về tiềm lực kinh tế, có thể nhận thấy rõ ràng là liên kết vùng, giao lưu kinh tế giữa hai nửa lưu vực này còn rời rạc, chưa tạo được thành sức mạnh tổng thể, đặc biệt là các tỉnh nằm đơn độc ở cuối chuỗi đô thị, như: Điện Biên (phía Nam lưu vực sông Đà) và Lai Châu (phía Bắc lưu vực sông Đà). Tại mỗi nửa khác nhau, các tỉnh đều tự tạo liên kết với trục CT.05 hoặc QL.6, mà chưa có đơn vị nào chủ trì tạo nên liên kết giữa hai nửa với nhau một cách đồng bộ. Hiện nay, quy hoạch các tuyến đường cao tốc khu vực Tây Bắc mới chỉ men dọc theo hai nửa lưu vực sông Đà mà quên đi liên kết ngang giữa hai nửa Bắc - Nam lưu vực (Hình 1).

Hình 1: Quy hoạch 14 tuyến đường bộ cao tốc ở miền Bắc thời kỳ 2021-2030

Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên theo hướng liên kết vùng trong giao thông vận tải
Ảnh: https://thoibaotaichinhvietnam.vn

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các Tỉnh trên địa bàn dọc lưu vực phía Bắc sông Đà đều đã và đang triển khai nhiều dự án kết nối các vùng đô thị của tỉnh mình với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (CT.05), như: cao tốc Bảo Hà - Lai Châu, cao tốc Hà Giang - CT.05, cao tốc Yên Bái - CT.05, Tuyên Quang - CT.05... có thể thấy kết nối giao thông đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc, vẫn là chủ đạo quan trọng trong hàng trăm năm tới.

Nghiên cứu vấn đề liên kết vùng của Điện Biên thông qua chính số liệu của ngành du lịch

Để nghiên cứu vấn đề liên kết vùng của Điện Biên thông qua chính số liệu của ngành du lịch, cần phải đánh giá được hệ thống giao thông vận chuyển khách du lịch từ Đồng bằng sông Hồng lên tỉnh Điện Biên.

Trước tiên, xem xét việc di chuyển của khách du lịch thông qua đường hàng không. Việc liên kết du lịch bằng đường hàng không có tác dụng rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách từ các vùng xa xôi khác, kể cả khách quốc tế đến Việt Nam. Trong khi đó, Đề án phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên lại chưa dự báo được con số tăng trưởng lượt khách du lịch thông qua vận chuyển bằng đường hàng không, nên khó có cơ sở đánh giá mức độ đóng góp của tuyến vận tải hàng không cho ngành du lịch, cũng như đánh giá mức độ thành công của tuyến vận tải hàng không so với các tuyến giao thông khác.

Hai là, việc vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy khó là phương án khả dĩ để phát triển du lịch tỉnh Điện Biên. Nguyên nhân là do hệ thống giao thông đường thủy của Tỉnh không thông suốt, bị chia cắt tương đối nhiều bởi các công trình dọc sông suối, chủ yếu là bởi các dự án thủy điện vừa và nhỏ, các lòng hồ thủy điện lại không đủ lớn để tạo sản phẩm du lịch mặt nước đặc trưng, chưa có quy hoạch cảnh quan mặt nước. Tiềm năng du lịch mặt nước chủ yếu tập trung trên địa bàn thị xã Mường Lay, nơi có mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, nhưng khả năng giao thông kết nối với các vùng khác rất yếu, chỉ có 3 hướng chính đi Mường Chà, Tủa Chùa, Nậm Nhùn và phụ thuộc vào sự điều tiết mực nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Do đó, việc vận chuyển khách bằng đường thủy từ địa phương khác đến Điện Biên, đặc biệt là từ Đồng bằng sông Hồng là không khả thi.

Ba, xem xét tiềm năng thu hút khách du lịch bằng đường bộ. Hiện kết nối giao thông của tỉnh Điện Biên đang theo hai hướng: hướng thứ nhất đi từ Đồng bằng sông Hồng lên men theo QL.6, với chiều dài khoảng 500 km, qua các khu vực đô thị chính là Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đây là hướng chủ đạo hiện chiếm 80% nguồn khách du lịch của Tỉnh); và hướng còn lại đi từ Đồng bằng sông Hồng lên dọc theo cao tốc CT.05 qua Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên (hướng này chiếm 20% nguồn khách du lịch còn lại).

Phân tích, so sánh kỹ hơn về số lượng, chất lượng nguồn khách du lịch đến Điện Biên từ Sơn La theo QL.6 với khách du lịch đến Lào Cai từ CT.05 cho thấy: Trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu du lịch của Điện Biên đạt khoảng 4.756 tỷ đồng, tương ứng với 3 triệu lượt khách; như vậy, mỗi lượt khách đến địa bàn tỉnh Điện Biên chi tiêu khoảng 1,59 triệu đồng. Ngay cạnh Điện Biên, mặc dù thu hút nhiều lượt khách, nhưng mỗi lượt khách du lịch khi đến tham quan tại Sơn La chi tiêu thấp hơn, chỉ 909 nghìn đồng vào năm 2022 [5]. Trong khi đó, giai đoạn 2018-2022, tỉnh Lào Cai đạt doanh thu từ du lịch trên 53.000 tỷ đồng, đón trên 16 triệu lượt khách, trung bình mỗi lượt khách chi tiêu khoảng 3,31 triệu đồng [7]. Riêng trong năm 2019, mỗi lượt du khách đến Lào Cai chi tiêu khoảng 3,76 triệu đồng [10].

Từ đó, có thể kết luận sơ bộ một số điểm chính như sau:

(1) Khách du lịch đến Lào Cai chuẩn bị một lượng tài chính lớn hơn để chi tiêu so với khách du lịch đến Sơn La, Điện Biên.

(2) Lào Cai vừa có lợi thế, vừa biết cách thu hút du khách đến vui chơi tiêu dùng, khiến cho du khách chi tiêu nhiều hơn.

(3) Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Lào Cai cao hơn hẳn so với Sơn La, thể hiện qua số liệu giai đoạn 2016-2020, hai tỉnh này có số lượt du khách tương đương, nhưng năm 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu thu hút tới 10 triệu lượt, trong khi Sơn La chỉ phấn đấu thu hút 5,2 triệu lượt.

(4) Lượng khách du lịch đến Lào Cai theo tuyến CT.05 nhiều hơn gấp 5-10 lần so với lượng khách du lịch đến Điện Biên theo tuyến QL.6.

Như vậy có thể thấy, khách du lịch lên Điện Biên theo hướng QL.6 tăng trưởng chậm, số lượng ít, chi tiêu không nhiều. Một phần nguyên nhân có thể đến từ việc sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lặp. Theo đó, sản phẩm du lịch văn hóa 3 tỉnh phía Nam lưu vực sông Đà vẫn dựa vào hình ảnh hoa Ban, văn hoá bản địa, sản vật rừng, rượu khát vọng bên vòng Xòe. Những sản phẩm trùng lặp đó rất khó kích thích du khách tiếp tục đi thêm gần 200 km đến với Điện Biên.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, cần chuyển hướng liên kết vùng với tỉnh Lào Cai trong phát triển du lịch

Phân tích của nhóm tác giả cho thấy, việc thu hút được một phần trong số nguồn khách du lịch khổng lồ từ tỉnh Lào Cai đến tham quan, du lịch tỉnh Điện Biên là một lựa chọn rất cần quan tâm tính toán. Bởi, trong hai nguồn khách du lịch từ Sơn La lên theo hướng QL.6 và nguồn khách du lịch từ Lào Cai theo hướng CT.05, thì khoảng cách cơ bản tương đồng (đều cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 200 km), số lượng lượt khách tương đồng (khoảng 3-5 triệu lượt mỗi năm). Tuy nhiên, nguồn khách du lịch từ Lào Cai cho thấy, ưu thế hơn hẳn với tài chính mạnh hơn, chi tiêu nhiều hơn, số lượt khách tăng nhanh hơn gấp đôi, có khách du lịch quốc tế thông qua Cảng hàng không Sa Pa. Vì thế, tỉnh Điện Biên cần phải chuyển hướng để liên kết vùng với tỉnh Lào Cai thay vì tiếp tục đầu tư theo hướng QL.6.

Thứ hai, tập trung liên kết du lịch giữa Điện Biên với Lào Cai thông qua tuyến đường bộ

Trong các loại hình vận tải, việc vận chuyển khách du lịch thông qua tuyến đường bộ truyền thống vẫn cho thấy tiềm năng khổng lồ trong tương lai dài hạn, đó là tuyến đường bộ theo hướng từ Lào Cai về Điện Biên. Trong trường hợp 2 tỉnh Điện Biên và Lào Cai tổ chức được các sân bay chuyên dụng phục vụ du lịch thì lúc đó giá trị ngành kinh tế xanh này sẽ đáng giá hơn nhiều lần nữa, tuy nhiên hiện tại hai sân bay này không phải là sân bay chuyên dụng, thêm nữa khoảng cách bay lại quá ngắn, nên khó tổ chức tour du lịch bằng đường hàng không. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết vùng, kết nối giao thông đường bộ Lào Cai - Điện Biên.

Bằng việc cụ thể hóa tư duy liên kết vùng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, tỉnh Điện Biên đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật có tính hệ thống đầy đủ từ trên xuống dưới liên quan đến 2 Nghị quyết này, điển hình là Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 29/11/2021 về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, coi đô thị và liên kết vùng là động lực phát triển chính trong thời gian 50 năm tới, coi đất đai là nguồn lực trung hạn phục vụ trong từng nhiệm kỳ tăng trưởng cho đến khi gắn kết được các đô thị lại với nhau, tạo thành mạng lưới thực thể liên kết sống động, tương hỗ kích thích tiềm năng, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho từng khu vực đô thị, tạo ra nhiều sản phẩm của nền kinh tế xanh có tính thương mại cao. Một điểm cần lưu ý trong Nghị quyết đó là việc chuyển hướng liên kết vùng, mở thông tuyến giao thông đối ngoại kết nối đô thị thị xã Sa Pa - tỉnh Lào Cai về với đô thị TP. Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên.

Tuyến giao thông đối ngoại Sa Pa - Điện Biên có đoạn tuyến cũ cần cải tạo từ TP. Điện Biên Phủ lên thị trấn Mường Chà và thị xã Mường Lay, đoạn tiếp theo của tuyến được mở mới kết nối thẳng thị xã Mường Lay đến tuyến cao tốc đi qua thị trấn Tam Đường - tỉnh Lai Châu, băng cắt qua lưu vực sông Đà trên địa bàn tỉnh Lai Châu mà không đi qua QL12, QL4D cũ, chiều dài toàn tuyến giảm xuống còn hơn 200km, thời gian di chuyển giảm xuống dưới 3,5 giờ.

Lợi thế rõ ràng nhất từ của tuyến giao thông đối ngoại kết nối Sa Pa - Điện Biên là việc hút được nguồn khách du lịch giàu có chất lượng cao từ thị xã Sa Pa về TP. Điện Biên chi tiêu du lịch, tạo sự bứt phá cho phát triển du lịch xanh, giảm ước tính 50%-70% giá cả hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nếu nhập khẩu trực tiếp được từ cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) thay vì tiếp tục vận chuyển từ Đồng bằng sông Hồng lên theo hướng QL.6, tuyến giao thông này còn tạo thêm được rất nhiều cực tăng trưởng mới dọc tuyến trên lưu vực sông Đà, tức là tạo thêm được rất nhiều đô thị mới dọc tuyến, chi phí giải phóng mặt bằng đoạn mở mới này rất thấp do tuyến đi qua khu vực thưa dân cư; đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thêm cực tăng trưởng mới hạn chế đi qua đô thị cũ, tận dụng được lợi thế cơ sở hạ tầng sẵn có của thị xã Mường Lay để làm du lịch mặt nước, tạo nguồn công ăn việc làm phong phú từ phát triển xanh cho nhân dân Điện Biên, thu hút thêm người dân về định cư trong Tỉnh, đẩy mạnh phát triển các thị trường thương mại, thị trường vốn, thị trường bất động sản của Điện Biên, giảm bớt thời gian quay vòng vốn đầu tư, các sản phẩm của nền kinh tế có thể tìm đường xuất khẩu ngắn hơn đi nhiều nơi hơn, chi phí logistic rẻ hơn và có thể đi thẳng đến cửa khẩu quốc tế.

Ngoài ra, tuyến đường này còn giúp các sản phẩm du lịch được phát triển theo chuỗi khép kín Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai - Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, không phát triển nhỏ lẻ trùng lặp. Hơn hết, tuyến đường này còn đáp ứng trọn vẹn mục tiêu kinh tế xanh là mũi nhọn chủ lực dài hạn của tỉnh.

Điện Biên cũng tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế nói chung và cho ngành công nghiệp xanh, trong đó có du lịch nói riêng. Cụ thể, Điện Biên đang chuẩn bị cho sự phát triển của các khu vực đô thị trên địa bàn Tỉnh (như: thị xã Mường Lay, thị trấn Mường Chà, TP. Điện Biên Phủ) bằng các đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện... để đón đầu và đáp ứng được lượng khách du lịch dồi dào từ Sa Pa, Lào Cai. Bước tiếp theo là xây dựng cơ sở hạ tầng, đón đầu kết quả liên kết vùng giữa Điện Biên với Lào Cai, cụ thể là giữa đô thị TP. Điện Biên Phủ với thị xã Sa Pa. Để làm được điều này, Lãnh đạo Tỉnh sớm đề xuất với Trung ương, tạo điều kiện đặt viên gạch đầu tiên cho ý tưởng này bằng việc đưa tuyến giao thông Sa Pa - Điện Biên vào quy hoạch vùng, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

ThS. Phạm Duy Linh - Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên

ThS. Nguyễn Đăng Hưng - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)


Tài liệu tham khảo

1. Cổng TTĐT Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021), Định hướng du lịch Sơn La giai đoạn 2021-2025, truy cập từ https://vccinews.vn/prode/40306/dinh-huong-du-lich-son-la-giai-doan-2021-2025.html.

2. Cục Thống kê tỉnh Điện Biên (2023), Niên giám Thống kê tỉnh Điện Biên năm 2022, Nxb Thống kê.

3. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2023), Niên giám Thống kê tỉnh Sơn La năm 2022, Nxb Thống kê.

4. Cục Thống kê tỉnh Lào Cai (2023), Niên giám Thống kê tỉnh Lào Cai năm 2022, Nxb Thống kê.

5. Diệp Hương (2022), Sơn La: Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch, truy cập từ https://bvhttdl.gov.vn/son-la-hoi-nghi-so-ket-5-nam-thuc-hien-nghi-quyet-ve-phat-trien-du-lich-20220923084051958.htm.

6. Hưng Nguyên (2021), 10 giải pháp để phát triển ngành du lịch Điện Biên đến năm 2030, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/10-giai-phap-de-phat-trien-nganh-du-lich-dien-bien-den-nam-2030-85377.htm

7. Phạm Tất Thành (2022), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai về công tác du lịch, truy cập tại https://laocai.gov.vn/chuong-trinh-de-an/de-an-so-03-da-tu-ve-phat-trien-van-hoa-du-lich-tinh-lao-cai-giai-doan-2020-2025-935913.

8. Tỉnh ủy Điện Biên (2021), Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

9. Tỉnh ủy Lào Cai (2021), Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 11/12/2020, về phát triển văn hoá, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025.

 

 

 


[1]https://baosonla.org.vn/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang/du-thao-bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2021-2025-34764.html

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm