Bạc Liêu: Đánh thức tiềm năng, phát triển xanh, nhanh, bền vững
Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần vượt khó, địa phương đã đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và cả nước đang phục hồi sau những tác động tiêu cực từ COVID-19, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của Bạc Liêu tiếp tục khởi sắc và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực.
Nông nghiệp - “trụ đỡ” kinh tế quan trọng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước năm 2023 tăng 7,24% so cùng kỳ, xếp thứ 5/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xác định năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của nửa nhiệm kỳ và tạo đà tăng tốc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Do vậy, lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị chuyên đề “Xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023” |
Nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” kinh tế của tỉnh, từng bước ứng dụng công nghệ cao nên năng suất, sản lượng nhất là lúa, tôm liên tục tăng và giá trị được nâng lên đáng kể. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, đạt kết quả tích cực. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác sản phẩm nông nghiệp đạt 507.145 tấn.
Công tác xây dựng Nông thôn mới luôn được quan tâm đẩy mạnh nâng cao chất lượng các tiêu chí xã Nông thôn mới và triển khai thực hiện các tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 18 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 5 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao |
Trong năm 2023, hoạt động công thương nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh và tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước năm 2023 tăng 9,13% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 76.130 tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch, tăng 20,2% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, tăng 17,21% so cùng kỳ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ước đến cuối năm 2023 đạt 95% trở lên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 39.735 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 13,62% so cùng kỳ.
Các chính sách về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện kịp thời. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị đã mang lại rất hiệu quả trong việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và người dân.
Chế biến tôm xuất khẩu |
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,19% vào cuối năm 2023. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Gia tăng giá trị, phát triển bền vững
Có thể nói, những kết quả đạt được trong năm 2023 đã phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo, hiệu quả và chủ động của Thành ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cùng các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân. Tuy nhiên, phát triển kinh tế từ đầu năm đến nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn và hạn chế.
Cụ thể, hợp tác, liên kết sản xuất còn chậm, quy mô nhỏ, chưa bền vững; khả năng cạnh tranh của nông sản, thực phẩm chưa cao do chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu nhãn mác thương hiệu. Ô nhiễm môi trường do nuôi tôm do việc xả thải chưa qua xử lý của một số cơ sở, hộ nuôi.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao |
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp do thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Hoạt động xuất khẩu còn chậm do thiếu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Chỉ số PCI thấp do môi trường kinh doanh còn chưa thuận lợi, thiếu minh bạch, cạnh tranh chưa lành mạnh. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường do cạnh tranh gay gắt, khó khăn về tài chính.
Về môi trường, công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng còn thiếu, phương tiện thu gom rác còn hạn chế. Nước thải sinh hoạt đô thị chưa được thu gom, xử lý do chưa có công trình xử lý nước thải sinh hoạt.
Tỉnh Bạc Liêu xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng phát triển mạnh ngành công nghiệp tôm, nuôi tôm sinh thái, sạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển bền vững khai thác hải sản, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng nông nghiệp, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, xây dựng nông thôn mới gắn với phòng chống thiên tai, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển sản phẩm OCOP.
Để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trên, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn kết sản xuất với tiêu thụ.
Nông dân vui mừng thu hoạch lúa thơm, tôm sạch |
Đối với phát triển công nghiệp - xây dựng, Bạc Liêu tiếp tục phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng bền vững, hiện đại, chú trọng phát triển năng lượng sạch, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng.
Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững, chú trọng phát triển thị trường nội địa, xuất khẩu, nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động nguồn lực để đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.
Song với đó, tăng cường thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025; huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó ưu tiên đối với phát triển kinh tế số, xã hội số.