A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển

Năm 2023, ngành Thanh tra tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giảm thiểu phiền hà, góp phần tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Article thumbnail
Thanh tra tỉnh Cao Bằng được Thanh tra Chính phủ tặng cờ thi đua. Ảnh: TH

Đánh giá vai trò của cơ quan thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, trong năm 2023, ngành đã làm tốt việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, KNTC và PCTN; các giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng.

Tham mưu tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc KNTC có dấu hiệu sai phạm, tiêu cực theo đúng trình tự, thủ tục và việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Cơ quan thanh tra đóng vai trò quan trọng trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của địa phương.

Theo đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo toàn ngành triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra chuyên đề diện rộng, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực, chú trọng đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.

Trong năm, toàn ngành đã thực hiện 59 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội, trong đó có 11 cuộc thanh tra về lĩnh vực quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại 15 đơn vị là các xã, huyện trên địa bàn tỉnh.

Nội dung thanh tra tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản của các đơn vị làm chủ đầu tư, qua thanh tra phát hiện vi phạm 1,971 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi số tiền vi phạm 1,773 tỷ đồng, xử lý khác 197,46 triệu đồng.

Đồng thời kiến nghị chủ đầu tư, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại đã nêu trong kết luận thanh tra và tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, căn cứ mức độ sai phạm xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Đối với lĩnh vực quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách đã tiến hành 14 cuộc thanh tra tại 27 đơn vị các xã trên địa bàn tỉnh, nội dung tập trung vào việc quản lý và sử dụng ngân sách xã và các chương trình mục tiêu quốc gia… Qua thanh tra, phát hiện và thu hồi số tiền vi phạm hơn 250 triệu đồng, các vi phạm chủ yếu liên quan đến chi thường xuyên, chi từ nguồn quỹ công chuyên dùng, việc thực hiện thủ tục mua sắm các gói thầu… 

Cũng trong năm 2023, thanh tra các sở, ngành tỉnh Cao Bằng đã triển khai 144 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022), tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường, văn hóa, thể thao, du lịch... của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 103 tổ chức, cá nhân có vi phạm với tổng số tiền 3,409 tỷ đồng, kiến nghị: Thu hồi vào ngân sách Nhà nước 438,64 triệu đồng; xử lý khác số tiền 2,971 tỷ đồng.

Ban hành 98 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với 24 tổ chức và 74 cá nhân) với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2,984 tỷ đồng thu nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở các kết quả đạt được, nhằm thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2024, UBND tỉnh Cao Bằng xác định một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ngành Thanh tra tỉnh cần thực hiện tốt, như:

Căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2024 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn KNTC và dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.

Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm