A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo

Ngày 12/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận đánh giá, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, thay đổi căn bản diện mạo tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua.

Để tiếp tục thực hiện toàn diện, thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, ông Huỳnh Văn Thuận đề nghị thời gian tới, địa phương cần tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ninh Bình cũng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo tính công khai, minh bạch đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị Ninh Bình xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn...

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Ninh Bình ngày càng phát triển, hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh... Ninh Bình đã có hơn 590 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng giúp trên 80 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết, tạo việc làm cho 80 nghìn lao động; giúp trên 70 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập; gần 2 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn xây dựng nhà ở; xây dựng được trên 348 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Kết quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn hộ gia đình nghèo, cận nghèo trong tỉnh, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giảm hộ nghèo xuống còn 1,86% vào cuối năm 2023.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quan tâm bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm tối thiểu 12%/tổng nguồn vốn, đến năm 2030 chiếm tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Giấy khen cho 6 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Ninh Bình./.

Thùy Dung


Tác giả: Đinh Thị Thùy Dung
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm