A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khôi phục bờ biển Hội An bằng các giải pháp bền vững, thân thiện

Tham quan Hội An và trải nghiệm các dịch vụ du lịch biển Hội An, gia đình anh Đoàn Minh Thắng và nhóm bạn đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã có kỳ nghỉ ấn tượng tại thành phố du lịch này. Anh Thắng chia sẻ: Cách đây vài năm, bãi biển Cửa Đại phải căng dây cảnh giới và biển cấm du khách tắm để phòng ngừa nguy hiểm. Nay, cũng trên bãi biển này, du khách tha hồ tắm biển, tận hưởng không khí trong lành. Theo anh Thắng, không riêng bãi biển An Bàng được cộng đồng du lịch trên toàn cầu bình chọn là một trong top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á, bãi biển Cửa Đại cũng thật sự xứng đáng là bãi biển đẹp ngang tầm châu lục.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, để có bờ biển Cửa Đại đáp ứng nhu cầu khách du lịch như hiện nay, Trung ương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cứu bờ biển thường xuyên bị sạt lở này. Gần đây nhất, năm 2021, từ nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng được Trung ương đầu tư, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến đê ngầm chắn sóng dưới mặt nước biển từ 0,5 - 1,5 m, dài gần 1,6 km. Quá trình xây dựng tuyến đê ngầm này, đơn vị thi công đã đổ hơn 110 nghìn mét khối đá, bê tông, bơm hơn 600 nghìn m3 cát để bổ sung cát cho bãi biển Cửa Đại, phường Cửa Đại, thành phố Hội An.

“Sau ba năm đưa vào sử dụng, chịu tác động trực tiếp của hai mùa mưa bão và nhiều đợt triều cường, áp thấp nhiệt đới gây sóng biển mạnh, có thể nói rằng, tuyến đê ngầm chắn sóng dưới mặt nước biển Cửa Đại là giải pháp công trình có khả năng giảm sóng, giảm thiểu nguy cơ sạt lở bờ biển Hội An một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Trong vài năm tới, các dự án mới được triển khai, bờ biển Hội An dài hơn 8 km, kéo dài từ bờ biển Cửa Đại đến giáp với phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) sẽ được bảo vệ bằng giải pháp này, từ đó tình trạng sạt lở sẽ được khắc phục một cách căn cơ, bền vững", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Công (Trung tâm Nước và Môi trường Việt Nam - Hà Lan) chia sẻ, giải pháp thiết kế đưa ra để thực hiện Dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Hội An là sử dụng đê ngầm, đỉnh thấp phá sóng từ xa, kết hợp nuôi bãi. Giải pháp này áp dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bờ biển của Hà Lan với sự vi chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực dự án. Qua thời gian vận hành sau các mùa mưa bão, giải pháp chứng minh được tính ưu việt: Hạn chế được tác động trực tiếp của sóng gây xói lở đường bờ và khôi phục lại được bãi cát dọc bờ, đáp ứng tốt mục tiêu bảo vệ bền vững bờ biển Hội An.

“Trong thời gian tới, với nguồn kinh phí từ vốn vay ODA của Pháp, giải pháp trên tiếp tục được tỉnh Quảng Nam nhân rộng, bờ biển Hội An sẽ được bảo vệ trên phạm vi toàn tuyến và bãi biển sẽ dần hồi phục. Khi đó, giải pháp này sẽ vừa đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho cư dân địa phương, vừa góp phần khôi phục lại hình ảnh bờ biển Hội An là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế biển cho địa phương”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Công tin tưởng.

Trước khi xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến đê ngầm chắn sóng dưới mặt nước biển, bờ biển Hội An thường xuyên đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng lấn sâu vào đất liền. Thành phố Hội An đã thực hiện nhiều giải pháp công trình như kè bê tông cốt thép mái nghiêng, kè mềm túi địa kỹ thuật, kè bằng túi Geotube. Cùng với nỗ lực của chính quyền thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây kè cứng, kè mềm, rọ đá, mỏ hàn, cọc tre nhằm bảo vệ các công trình xây dựng bên trong. Tuy nhiên, các công trình này chỉ mang tính tạm thời và không đồng bộ nên thường xuyên bị sóng đánh sập và cuốn trôi ra biển sau một vài trận mưa bão, áp thấp gây triều cường, sóng biển mạnh.

Chị Nguyễn Thị Lan là chủ một hộ chuyên cung cấp nước ngọt, ghế tắm nắng và nhà trọ tại khu vực bãi biển khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An. Chị cho biết, liên tiếp trong hai năm 2022 và 2023, triều cường, sóng biển mạnh đã khiến một đoạn dài bờ biển Thịnh Mỹ, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch bị sạt lở nặng. Nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền, nhiều nhà cửa, vật kiến trúc bị sóng cuốn trôi ra biển. Hàng chục hộ kinh doanh ăn uống, cung cấp dịch vụ du lịch biển ở khu vực biển khối phố Thịnh Mỹ bị mất sinh kế và buộc phải di chuyển đến nơi khác để đảm bảo an toàn. Vì vậy, khi nghe thông tin bờ biển Thịnh Mỹ sẽ được xây kè chống sạt lở như phía bờ biển Cửa Đại, người dân nơi đây ai cũng vui mừng.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Ngọc Tân, từ những thành công đã được kiểm chứng qua nhiều mùa mưa bão và các đợt triều cường do áp thấp nhiệt đới gây ra, dựa trên tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về giải pháp kỹ thuật, tỉnh Quảng Nam đang làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để sớm thực hiện Dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, thống nhất giải pháp thiết kế, tài trợ vốn với số tiền lên đến 42 triệu euro để tiếp tục triển khai xây dựng 4,5 km tuyến đê biển còn lại theo phương án xây dựng đê ngầm có khả năng tiêu, giảm sóng từ xa. Cùng với đó, bổ sung thêm hàng triệu mét khối cát tự nhiên được tận dụng nhằm tạo và nuôi bãi biển.

UBND tỉnh đã có Quyết định số 560/QĐ-UBND, ngày 21/3/2023 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp nối tiếp từ khu vực bờ biển Cửa Đại, đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực bờ biển An Bàng với mục tiêu phòng, chống xói lở bờ biển, tái tạo lại bãi biển; từng bước hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ biển thành phố Hội An, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng chia sẻ thêm, hiện các đơn vị đã tiến hành thi công các cấu kiện tại những vị trí tập kết trên bờ, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để tiếp tục xây dựng hoàn thiện tuyến đê ngầm giảm sóng và giữ chân bãi nhân tạo song song, thực hiện trước mùa mưa bão năm nay. Cùng với tuyến kè ngầm, bờ biển khu vực này sẽ được tận dụng lượng cát từ hoạt động nạo vét luồng lạch để bổ sung cát nhằm tạo và nuôi bãi biển có chiều dài gần 1,5 km để tôn tạo và giữ gìn bãi tắm./.

Đoàn Hữu Trung


Tác giả: Đoàn Hữu Trung
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm