Hành trình 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang
Ngày 5/3, Thành ủy Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) phối hợp cùng Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”. Đây là hoạt động kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), với hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học ở các trường, viện của Trung ương; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang tham dự.
Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cho biết: Đến nay, vị thế, vai trò của thành phố Nha Trang được thể hiện ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, có tầm ảnh hưởng không chỉ ở riêng tỉnh Khánh Hòa mà còn của khu vực và trong cả nước. Thành phố đã có những bước đi vững chắc trên nhiều lĩnh vực, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo hướng hiện đại, văn minh, hội nhập. Khát vọng nâng tầm thành phố luôn được thể hiện sâu sắc, cụ thể qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố và tỉnh Khánh Hòa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, tỉnh đang thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022, của Bộ Chính trị “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đến 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang được xác định sẽ là đô thị hạt nhân, một trong ba vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Trong tiến trình đó, Khánh Hòa cần phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang để đạt được mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Tại Hội thảo, một số tham luận được quan tâm như: “100 năm hình thành và phát triển: Định vị các giá trị, bản sắc văn hóa, con người Nha Trang”, “Vùng đất Nha Trang - Quá trình tiếp nhận và hòa hợp với các giá trị văn hóa bên ngoài”, ”Vai trò của thành phố Nha Trang trong kết nối chiến lược vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ hiện nay”, “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của vùng đất Nha Trang trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố”… Các tham luận đã thể hiện tiến trình lịch sử, những giá trị văn hóa, bản sắc về vùng đất và con người Nha Trang; vị thế, tiềm năng, cơ hội, những thách thức trong quá trình phát triển của thành phố trong giai đoạn tới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngọc Hòa - Phó giám đốc Học viện chính trị Khu vực III đánh giá: Sự trầm tích 100 năm của thành phố Nha Trang lắng đọng trong con người, trong giá trị và bản sắc. Tất cả những thành tố đó định hình môi trường văn hóa Nha Trang, trở thành yếu tố nội sinh, sức đề kháng trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa hiện nay.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Nhung (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Nha Trang cần tập trung các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, vẻ đẹp vốn có của “hòn ngọc Biển Đông” cũng như nét đẹp văn hóa - lịch sử - con người vùng đất xứ trầm. Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng áp dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả.
Cùng quan điểm này, khi đề xuất về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở Nha Trang thời gian tới, Thạc sĩ Trịnh Thị Phượng (Học viện Chính trị Khu vực II) cho rằng: Cần tổ chức điều tra, khảo sát và trải nghiệm để đánh giá tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố về văn hóa, lịch sử, con người, các lễ hội truyền thống, danh thắng, các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù và nổi trội… Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố 100 tuổi trong một không gian thống nhất và đồng bộ, tạo được thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, Nha Trang cần bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch một cách tốt nhất.
Kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ khoa học để Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vận dụng ban hành Nghị quyết về Phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, thành phố sẽ tập hợp một số bài viết để xuất bản thành sách - tư liệu có giá trị để nghiên cứu, vận dụng lâu dài trong thực tiễn./.
Tiên Minh