A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới mục tiêu cung ứng nhân lực chất lượng cho thị trường lao động

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, nhằm hướng tới mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động trong thời gian tới.

Trên địa bàn tỉnh từ năm 2015, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện được sáp nhập, bổ sung chức năng theo quy định Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Hiện, toàn tỉnh Hậu Giang có 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện. Thực hiện việc giáo dục thường xuyên, các trung tâm đã tuyển sinh được 42 lớp, với trên 1.470 học sinh. Trong giáo dục nghề nghiệp, các Trung tâm chủ yếu tuyển sinh trình độ Sơ cấp, dưới 3 tháng; trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 2.500 - 3000 lao động. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đa phần các đơn vị mở lớp đều xác định được đầu ra, nơi làm việc cho học viên sau đào tạo.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, khó khăn hiện nay là cơ sở vật chất ở nhiều Trung tâm đã xuống cấp; thiết bị đào tạo chưa được đầu tư mới dẫn đến nhiều hạn chế trong việc đào tạo, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp và thị trường lao động…

Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Long Mỹ thông tin: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Long Mỹ được thành lập từ năm 2017, đến nay đã mở 66 lớp đào tạo với 1.650 học viên. Trung tâm tổ chức thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên lĩnh vực đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên. Những năm gần đây, do khó khăn về kinh phí, Ủy ban nhân dân thị xã chưa bố trí được nguồn vốn sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho Trung tâm. Để giải quyết vấn đề này, năm 2024 và những năm tiếp theo, địa phương sẽ cân đối xem xét kinh phí ngắn hạn, trung hạn để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất Trung tâm ngày càng hoàn thiện.

Tại thành phố Ngã Bảy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được thành lập năm 2017, thực hiện đào tạo phổ thông theo hệ thường xuyên, đào tạo nghề trình độ Sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng. Ông Lê Hoàng Xuyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thông tin: Qua thời gian thực hiện vai trò quản lý, địa phương gặp khó trong việc bố trí, sắp xếp biên chế. Điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng tốt cho công tác đào tạo nghề. Về mặt quản lý nhà nước, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Về chuyên môn giáo dục thường xuyên, Trung tâm do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; nhưng chuyên môn giáo dục nghề nghiệp lại do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Điều này dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý của địa phương đối với hoạt động của Trung tâm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hiện có 3 cấp quản lý độc lập. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về giáo dục thường xuyên; Sở lao động - Thương binh và Xã hội quản lý về giáo dục nghề nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý tổ chức, bộ máy và cơ sở vật chất. Việc quản lý chưa thống nhất dẫn đến hiệu quả chưa cao…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, Hồng Xuân Bình cho rằng: Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, các Trung tâm trên địa bàn rất cần được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên, đổi mới chương tình, giáo trình, phương thức đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Để làm được điều này cần có sự chung tay tháo gỡ khó khăn, có cơ quan chủ quản đầu mối quản lý giúp phát huy hiệu quả các chức năng của Trung tâm.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, thời gian tới, Sở tập trung xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ cho các Trung tâm, thực hiện các giải pháp nâng chất lượng giáo dục, tạo sức hút đối với người học. Sở tranh thủ kinh phí đầu tư bổ sung thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo đúng và đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang triển khai hướng dẫn thực hiện Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT, ngày 06/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; phân cấp 1 đầu mối phụ trách quản lý hoạt động đối với các Trung tâm trong tỉnh. Đồng thời, Sở đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí đầu tư thiết bị cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, bảo đảo theo tiêu chuẩn hiện hành.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ cùng các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT ngày 06/01/2023 (về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) phù hợp tình hình thực tế và phải hoàn thành trong quý II/2024.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc đào tạo và cung ứng nguồn lao động theo yêu cầu. Sở phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng và đào tạo lao động tại các doanh nghiệp. Song song đó, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn chủ động thực hiện những giải pháp, mô hình, cách làm hay để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, chất lượng nguồn lao động tại địa phương; tăng cường liên kết đào tạo ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động./.

Nguyên Hà


Tác giả: Nguyễn Thị Thúy Hằng
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm