A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khánh Hòa: Phát triển nguồn nhân lực tỉnh gắn với tiêu chuẩn mới

Sáng 29/3, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn "Chính sách địa phương với chuyên đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa".

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực đáp ứng nhu cầu về nhân lực, phục vụ cho mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các chuyên gia trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, y tế, dạy nghề... cũng trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong đào tạo, hợp tác đào tạo và các chính sách dành cho phát triển nguồn nhân lực; các chính sách của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong đào tạo nguồn nhân lực khi đầu tư tại địa phương…

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, công tác đào tạo phát triển nhân lực  phục vụ khu vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Công tác phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp ở nhiều đơn vị vẫn chưa được chặt chẽ và thiếu chiều sâu. Cùng với đó, tỉnh chưa có chính sách thu hút nhân tài đủ mạnh để có thể tuyển dụng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh; chưa có chính sách đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa.

"Qua Diễn đàn lần này, từ những thực trạng, giải pháp của các đơn vị, chuyên gia góp ý, tỉnh Khánh Hòa sẽ có những định hướng với các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh phù hợp với thực tế", ông Đinh Văn Thiệu nói.

Bàn về chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế nhấn mạnh, thực trạng kỹ năng làm việc, kỹ năng mềm của người lao động của tỉnh này vẫn còn yếu. Tỉnh chưa có những cuộc điều tra, thống kê tình hình việc làm của người lao động. Hơn hết, chất lượng cơ sở đào tạo dù những năm qua đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đủ chiều sâu, khiến người lao động được đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Tiến đề xuất, tỉnh Khánh Hòa cần hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các chính sách từ Trung ương cần được thể chế hóa, rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục trong đào tạo; chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực; quy hoạch nguồn nhân lực; đào tạo nhân lực nâng cao, thích ứng với sự thay đổi của khoa học - công nghệ.

Bà Trương Thị Hà, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang cho rằng, ngành Du lịch tỉnh rất cần nhân lực chất lượng cao, thích nghi với chuyển đổi số. Do đó, đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo chương trình quốc tế là một kênh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành; song song với đó là tăng cường hợp tác với doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo tại chỗ, đào tạo kép.

Theo ông Đinh Công Khải, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, qua nghiên cứu thực tế tình hình nhân lực Khánh Hòa thời gian gần đây, tỉnh hiện chi cho Giáo dục và Đào tạo vẫn còn thấp; chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đào tạo lao động... Ông Đinh Công Khải đề xuất tỉnh Khánh Hòa cần phải thực hiện tốt vai trò kết nối Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà trường; đưa ra các chính sách thu hút và giữ chân người tài, cụ thể như: chăm lo cho đời sống của gia đình họ, đồng thời hướng theo thực tế bổ sung các ngành nghề xã hội đang có nhu cầu cao liên quan đến logistics, quy hoạch phát triển và đô thị thông minh, lãnh đạo và quản lý kinh tế, đánh giá thẩm định dự án đầu tư...

Được biết, dân số trong độ tuổi lao động toàn tỉnh Khánh Hòa cuối năm 2023 là 692.825 người, trong đó có 549.598 người có việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2023 đạt 83%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,7%./.

Phan Sáu


Tác giả: Phan Thị Sáu
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm