A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả ứng dụng số trong đời sống người dân Đồng Tháp

Ông Nguyễn Văn Mách ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) khấm khá lên nhờ thực hiện mô hình “Cây xoài nhà tôi” giúp đưa cây xoài mua bán qua mạng Internet. Đây là một trong những ví dụ điển hình về hiệu quả áp dụng xã hội số trong đời sống người dân Đồng Tháp thời gian qua.

Ông Mách trồng và bán xoài theo mô hình “Cây xoài nhà tôi” với diện tích 1,2 ha. Vườn xoài của ông Mách luôn đạt chứng nhận sản phẩm an toàn và được khách hàng chọn mua nhờ được đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Từ những cây xoài đầu tiên bán qua mạng, hiện nay ông Mách bán được 75 “Cây xoài nhà tôi”, trừ các khoản chi phí, ông Mách thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Còn tại huyện Lai Vung, đã có trên 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; 100% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2030, thực hiện xã hội số với 100% hộ gia đình có nhu cầu đều được kết nối Internet băng thông rộng bằng cáp quang hoặc mạng di động 5G; trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Về xã hội số, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 83,66% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 90,76%; hơn 1.900.000 thuê bao điện thoại cố định và di động; hơn 1.450.000 thuê bao Internet; 100% khóm, ấp có đường truyền Internet cáp quang FTTx; 88/143 đài truyền thanh chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, các địa phương tại tỉnh đã có các Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập. Đến nay, có 551 khóm, ấp và 40 tổ cấp xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp đoàn duy trì hoạt động các Tổ Thanh niên chuyển đổi số cộng đồng ở 12/12 huyện, thành phố để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống như: giúp thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và đời sống (Chat GPT, Gemini), internet vạn vật (phổ biến ứng dụng giám sát sâu rầy thông minh, thuê dịch vụ máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, camera giám sát giao thông…).

Theo bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tuyên truyền người dân đang sử dụng điện thoại 2G chuyển sang dùng điện thoại 4G, hỗ trợ chuyển đổi sim 3G sang 4G, cài đặt chứng thư số…; hướng dẫn hỗ trợ người dân cài đặt hồ sơ sức khỏe điện tử; hướng dẫn cài đặt và xác thực định danh điện tử VNeID cho người dân… Sở cũng đã hỗ trợ cho hơn 6 nghìn người dân nộp hồ sơ trực tuyến; người dân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí; cài đặt ứng dụng e-Đồng Tháp; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua, bán và mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử cho hộ kinh doanh và cơ sở dịch vụ buôn bán và các cửa hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Điển hình vừa qua Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình điểm thanh toán vé xe không dùng tiền mặt. Sở triển khai theo 2 hình thức online và offline. Hình thức online thông qua việc tạo phần mềm tại đơn vị thí điểm để hành khách thao tác đặt vé: chọn điểm đi, điểm đến, thời gian đi, số lượng vé, số lượng ghế ngồi (giường nằm), xe trung chuyển… Hành khách có thể lựa chọn hình thức thanh toán qua các kênh: thẻ ATM, thẻ Visa, VNPay, Momo, ZaloPay, ShopeePay... Với hình thức offline (trực tiếp), hành khách đặt vé qua tổng đài của đơn vị thí điểm hoặc trực tiếp tại quầy bán vé. Nhân viên hỗ trợ sẽ thao tác đặt vé cho hành khách. Khi khách hàng thanh toán tiền vé thành công, mã vé sẽ tự động gửi về số điện thoại của khách hàng. Thanh toán vé xe không dùng tiền mặt giúp người dân đi lại thuận tiện, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động vận chuyển./.

Nguyễn Văn Trí


Tác giả: Nguyễn Văn Trí
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm