A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bạc Liêu nỗ lực trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

Tỉnh Bạc Liêu đã đứng đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm (Khu công nghệ cao phát triển tôm) với mục tiêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Dẫn đầu cả nước về nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao

Năm 2023, Bạc Liêu nuôi tôm nước lợ 143.000 ha, sau tỉnh Cà Mau đứng đầu với 278.365 ha nhưng sản lượng lớn nhất nước với 247.143 tấn (Cà Mau chỉ 233.000 tấn), nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh và thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã có 25 tổ chức và 832 cá nhân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 6.624 ha, tăng 43,8% so với năm 2022 và gấp 2,9 lần năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, tỉnh xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 60% sản phẩm nông nghiệp và gần 28% kinh tế của tỉnh, trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm trên 97% diện tích nuôi trồng thủy sản. Năm 2023, sản lượng tôm nuôi chiếm 21,8% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 973 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022, chiếm hơn 28% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Bạc Liêu đang dẫn đầu cả nước về nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, được xác định là điểm nhấn và có vai trò dẫn dắt đối với sự phát triển ngành tôm của tỉnh.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Trung Đông… với công suất thiết kế 209.700 tấn/năm, đứng thứ ba cả nước. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm tôm, phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 48 cơ sở thu mua nguyên liệu, 68 cơ sở sơ chế nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy.

Kế hoạch của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Lêu, năm 2024 nuôi tôm 142.269 ha, tổng sản lượng 278.500 tấn; chú trọng phát triển nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh với 29.400 ha (tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 6.630 ha và thâm canh 13.440 ha; tôm sú bán thâm canh 9.330 ha). Còn lại là tôm – lúa và nuôi quảng canh cải tiến kết hợp.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Năm 2024, đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa vào sử dụng Khu công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với nòng cốt là các tổ chức khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm của tỉnh. Tỉnh phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 294.000 tấn/năm vào năm 2025; sản phẩm tôm chế biến công nghệ cao đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của NAFIQAD, các tiêu chuẩn quốc tế và của từng thị trường xuất khẩu”.

Khu công nghệ cao phát triển tôm

Ngày 24/5/2017, Thủ tướng quyết định thành lập và ban hành quy chế của Khu công nghệ cao phát triển tôm với quy mô 418 ha, tại xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Tiếp đó, ngày 31/10/2017, UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 1976/QĐ-UBND đầu tư. Đến năm 2021, tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 với kinh phí 175 tỷ đồng, gồm các hệ thống đường giao thông, kênh cấp và thoát nước, điện, cổng, hàng rào bao quanh.

Từ năm 2022, tỉnh triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 với kinh phí 194 tỷ đồng và nay đã cơ bản xong; gồm: Nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; Khu xử lý nước thải tập trung và các công trình hạ tầng khác. Công tác đầu tư xây dựng được Ban Quản lý Khu công nghệ cao phát triển tôm phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh để thực hiện.

Bạc Liêu nỗ lực trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

Nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn ở Bạc Liêu

Hiện nay, tỉnh đã chọn được 9 dự án của 9 doanh nghiệp, thuộc 4 lĩnh vực: Trình diễn quy trình nuôi tôm kết hợp với thiết bị phụ trợ; chế phẩm sinh học; sản xuất tôm giống; nghiên cứu sản xuất thức ăn tôm. Ban Quản lý Khu công nghệ cao phát triển tôm làm thủ tục cho 9 doanh nghiệp thuê đất, đã giao đất cho 7 doanh nghiệp để triển khai dự án.

Bạc Liêu nỗ lực trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

Phối cảnh trụ sở Khu công nghệ cao phát triển tôm

Được biết, Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 coi trọng phát triển tôm công nghệ cao. Để thực hiện quy hoạch, Bạc Liêu đã có Phương án Phát triển ngành tôm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu bao trùm: Xây dựng thành công nhãn hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu” để nâng cao giá trị kinh tế con tôm và xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm