Các ngân hàng thương mại cổ phần kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, các NHTM cổ phần đưa ra hàng loạt giải pháp quan trọng, từ tăng cường hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục pháp lý, đến phát triển tín dụng xanh và giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục pháp lý
Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank cho biết, trong năm 2024, LPBank đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt thực hiện. Ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển tín dụng bán lẻ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới 566 chi nhánh/ phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, LPBank cũng đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện, hỗ trợ đắc lực cho công tác phê duyệt tín dụng, giúp rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Nhờ áp dụng công tác quản trị tín dụng và rủi ro chặt chẽ theo mô hình quản trị hiện đại, an toàn, hiệu quả đã giúp LPBank kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ xấu mới. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chỉ 1,7%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam cũng liên tục đưa ra nhiều gói giải pháp tối ưu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cho vay tiêu dùng, LPBank đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Trong 8 tháng đầu năm 2024, LPBank đã giảm lãi suất cho hơn 150.000 khách hàng, với mức giảm lên đến 3,5% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 100.000 tỷ đồng.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) phát biểu tại hội nghị. |
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, lãnh đạo Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam nêu một số đề xuất.
Thứ nhất, LPBank kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ ban ngành ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về Tín chỉ Carbon và các lợi ích cụ thể đối với khách hàng khi tham gia Tín dụng xanh.
Hiện LPBank là ngân hàng tiên phong đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh trong hệ thống. Ngân hàng đã triển khai gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này với hạn mức hơn 15.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ và khuyến khích khách hàng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội. Trong đó 9.600 tỷ đồng dành cho dự án Năng lượng xanh và 6.000 tỷ đồng cho các dự án Nông nghiệp xanh.
Với mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh của LPBank tính đến cuối quý III/2023 đạt mức ấn tượng 2.863 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao chiếm 2.857 tỷ đồng.
Việc LPBank ưu tiên tín dụng xanh nằm trong định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc dịch chuyển dòng vốn cho vay tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là khu vực được Đảng và nhà nước định hướng phát triển nhằm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank, cho biết, các quy định về chính sách cho vay tín dụng xanh và các lợi ích cho khách hàng trong lĩnh vực xanh còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc mở rộng và phát triển đối tượng khách hàng. Do đó, Việt Nam cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu xanh, và hưởng các ưu đãi về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.
Thứ hai, đối với các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua, LPBank đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ giảm lãi suất để giúp họ sớm khắc phục hậu quả sau bão, nhanh tróng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, cần cân nhắc việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời bổ sung thêm đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào danh sách được hỗ trợ.
Mới đây, LPBank đã khẩn trương triển khai các chương trình giảm lãi suất vay từ 0,5% đến tối đa 2% cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Chương trình có quy mô dự nợ áp dụng giảm lãi suất lên tới 29.700 tỷ đồng cho hơn 63.200 khách hàng ở các khu vực, địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đồng thời áp dụng các giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ phù hợp.
Phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững
Tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, tới hết 8 tháng năm 2024, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, trong đó:
Dư nợ tín dụng đạt ~ 685 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11.15% so với năm 2024; so với bình quân toàn ngành ~ 7.15%). Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm ~ 65%, giải ngân mới ~ 74 nghìn tỷ đồng cho SME.
Dư nợ tăng mới tập trung tại: 19% (13 nghìn tỷ đồng) cho các doanh nghiệp (1) Các ngành sản xuất & kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh và phương tiện vận tải và (2) Công nghiệp chế biến, chế tạo, các lĩnh vực phụ trợ;
6% (4 nghìn tỷ đồng) cho Lĩnh vực SX & PP điện năng lượng, khí đốt và Vận tải kho bãi công nghệ cao - theo định hướng ưu tiên chuyển dịch tín dụng xanh, tín dụng bền vững theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030;
47% (32.7 nghìn tỷ đồng) cho phân khúc bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh (tăng trưởng ~20% so với năm trước). MB đã bước đầu thực hiện triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung (tổng hạn mức tín dụng ~ 1 nghìn tỷ đồng).
Điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0.5% - 1.45% so với năm 2024 (MB cho vay sản xuất kinh doanh lãi suất ~ 6.94% - so với 2023 là 7.88%).
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB phát biểu. Ảnh MB |
Chủ tịch MB nhấn mạnh, trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản.
Chủ tịch Lưu Trung Thái cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế phát sinh, đặc biệt là đối với việc tăng trưởng tín dụng an toàn, lành mạnh. Đồng thời, Chủ tịch MB đưa ra kiến nghị, đề xuất của MB đối với Chính phủ, NHNN.
Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất cho vay, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; Điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững. Trong đó:
Cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng; Tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu.
Các cơ quan/Bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh/quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ 2, tiếp tục thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động cho ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thống nhất cơ chế giá điện – đặc biệt là các dự án chuyển tiếp – các dự án mới, chỉ đạo EVN ưu tiên và đảm bảo tiến độ thanh toán cho các doanh nghiệp sản xuất điện xanh, năng lượng tái tạo.
Thứ 3, thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành Ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ phát biểu. Ảnh: N.Bắc |
Trong buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB), ông Đặng Khắc Vỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thận trọng trong chính sách tín dụng. Ông cảnh báo rằng nới lỏng các điều kiện tín dụng quá mức có thể tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến sự ổn định dài hạn của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Thời gian qua, VIB đã nỗ lực đồng hành cùng sự phục hồi kinh tế, đã thực hiện các chương trình hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi. Điển hình là gói vay 30.000 tỷ đồng trong quý 2/2024 với lãi suất từ 5,9% đến 7,9% cho các kỳ hạn cố định lên đến 24 tháng, tập trung vào các khoản vay mua nhà ở, căn hộ, kinh doanh và mua ô tô.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp, VIB cũng cung cấp các gói tài trợ vốn lưu động và trung dài hạn với lãi suất từ 2,9%, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh. Những động thái này nhằm hỗ trợ cả cung và cầu trong nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường kinh tế bất lợi.
Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ nhấn mạnh việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng bằng mọi giá có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về sau, đặc biệt là khi rủi ro nợ xấu gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng mà còn tạo ra những vấn đề dài hạn về khả năng quản trị rủi ro và lợi nhuận.
Việc tăng trưởng tín dụng quá mức có thể dẫn đến sự mất cân đối trong nền kinh tế, gây ra tình trạng bong bóng tài sản và rủi ro hệ thống. Nếu nợ xấu gia tăng mà không được kiểm soát, các ngân hàng có thể đối mặt với các vấn đề thanh khoản và mất khả năng thanh toán. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng mà còn gây ra tác động dây chuyền tới toàn bộ nền kinh tế, làm suy yếu sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Một trong những đề xuất quan trọng của ông Đặng Khắc Vỹ là áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Ông cho rằng việc áp dụng các chuẩn mực này sẽ giúp tăng cường khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng, đặc biệt là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Các ngân hàng cần được đánh giá và xếp hạng dựa trên các tiêu chí minh bạch, từ đó Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các biện pháp giám sát và quản lý phù hợp để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
Đặc biệt, các yếu tố như nợ xấu, nợ cơ cấu, doanh thu và lợi nhuận cần được ghi nhận một cách thận trọng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế để đảm bảo độ chính xác của dữ liệu tài chính. Hệ số CAR (Capital Adequacy Ratio) và ROE (Return on Equity) cũng cần được tính toán và công bố một cách rõ ràng, minh bạch, giúp các nhà đầu tư và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của ngân hàng.
Về giải pháp để xử lý nợ xấu, ông Vỹ cũng đề xuất một số giải pháp quyết liệt hơn để xử lý nợ xấu. Ông kêu gọi Chính phủ ban hành các quy định cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo một cách hợp pháp, dựa trên các hợp đồng bảo đảm đã ký kết. Việc này sẽ giúp các ngân hàng nhanh chóng thu hồi nợ xấu và cải thiện tình hình tài chính.