Du lịch xanh - “chìa khóa” để phát triển bền vững
Nhu cầu cho các trải nghiệm du lịch xanh ngày càng tăng cao, khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là những người muốn khám phá vẻ đẹp của một địa điểm du lịch mà còn là những người có nhận thức sâu sắc về tác động của họ đối với môi trường.
Nâng cao nhận thức về du lịch xanh, dịch vụ xanh
Hiện nay, du lịch Việt Nam đang từng bước triển khai du lịch xanh, đó là loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người. Thông qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp, khách du lịch đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường; hình thành “lối sống xanh” và thúc đẩy tiêu dùng du lịch bền vững; tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, hình thành điểm đến du lịch xanh.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, theo báo cáo dự kiến sẽ đóng góp khoảng hơn 6,4% GDP năm nay. Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, các thách thức lớn du lịch thế giới phải đối mặt là năng lượng và hiệu ứng nhà kính; tiêu dùng nước; quản trị rác và chất lượng nước; đa dạng sinh học; sự giảm thiểu của đa dạng sinh học và quản trị xây dựng và di sản văn hóa. Các thách thức này đòi hỏi du lịch toàn cầu phải phát triển theo hướng tăng trưởng xanh để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Ở Việt Nam, việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch tự phát ở một số địa phương, gây ảnh hưởng tiêu cực tài nguyên và môi trường, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại; gia tăng nhanh lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa và tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường, khách du lịch rất ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường, tham gia vào các hoạt động giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cam kết bảo vệ môi trường, du lịch xanh đã trở thành chiến lược phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp. Do đó, có thể thấy, việc thực hiện du lịch xanh và áp dụng khách sạn không rác thải nhựa không chỉ là đòn bẩy cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội định vị thương hiệu.
Đồng thời, thực hiện du lịch xanh cũng tạo ra cơ hội tăng cường trải nghiệm và giá trị cho du khách, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển du lịch bền vững, du lịch sức khỏe, du lịch xanh đang được quan tâm.
Các doanh nghiệp du lịch vẫn chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa sử dụng năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch; nhiều cơ sở du lịch, đặc biệt là cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống chưa có biện pháp tích cực xử lý rác thải, nước thải, tái chế, tái sử dụng; rác thải vẫn trực tiếp thải loại ra môi trường tự nhiên; ý thức của một bộ phận khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng ở các khu, điểm du lịch chưa cao, còn tình trạng xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung...
Đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
Khách du lịch ngày nay rất ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường, tham gia vào các hoạt động giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cam kết bảo vệ môi trường.
Do đó, để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, theo chuyên gia, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Trong đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, đảm bảo không phá vỡ, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, vì lợi ích trước mắt phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường.
Khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch theo nguyên tắc "tôn trọng tài nguyên, bảo vệ môi trường", "thân thiện với môi trường"; "không làm tổn hại tài nguyên, phá vỡ cảnh quan và làm biến tướng, mất đi giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản", "không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá"; thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động.
Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch vào kinh doanh du lịch; chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng...
Kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh "núp bóng" dưới hình thức là các "dự án du lịch xanh" nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất. Có chế tài xử phạt nặng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại tài nguyên, di sản và môi trường, vi phạm pháp luật về du lịch và các luật, quy định của Nhà nước liên quan đến du lịch.
Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, khám phá - trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; tăng cường trách nhiệm xã hội của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp du lịch để thúc đẩy quan tâm nhiều hơn tới chia sẻ lợi ích, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn ngành Du lịch, người dân và khách du lịch về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh...