A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp, quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển.

Tín hiệu khả quan cho tăng trưởng kinh tế

Báo cáo thẩm tra về báo cáo ngân sách nhà nước tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến hết tháng 3/2022, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện phân bổ và giao dự toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 97,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (hiện còn khoảng 15,2 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ); về kinh phí thường xuyên đạt 97% dự toán được giao.

Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo ngân sách nhà nước

Theo quy định là chậm nhất đến ngày 31/12/2021 phải thực hiện phân bổ và giao dự toán đến các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đôn đốc việc phân bổ, khẩn trương giao số dự toán còn lại, tăng cường rà soát, kiểm tra việc phân bổ và giao dự toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Về thu nội địa, phần lớn các địa phương lập dự toán thấp, nhưng lại giao cao hơn so với dự toán (42/63 địa phương). Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương chưa sát với khả năng thu của các địa phương vẫn xảy ra khá phổ biến. Chính phủ cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, thu NSNN 3 tháng ước đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tăng ở cả 3 khoản thu: thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Đây là những tín hiệu khả quan cho khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo đó khả năng hoàn thành và vượt dự toán 2022 là khả thi - ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương cần bám sát tình hình trong nước và thế giới, đặc biệt là giá dầu thô, giá nguyên vật liệu, bảo đảm thu NSNN đạt kết quả cao.

Kiểm soát chặt chẽ các hành vi thao túng thị trường

Về chi và cân đối NSNN năm 2022, ông Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ lưu ý đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản như: Tiến độ giải ngân chung còn khá chậm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện.

Việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ, thể hiện việc chưa nghiêm túc trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh NSNN hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người yếu thế đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế: Căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai.

Cơ bản thống nhất với các giải pháp điều hành về kinh tế - ngân sách của Chính phủ đề ra từ nay đến cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị, Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn. Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022.

Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách đã được ban hành. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.

Khẩn trương hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2021. Tăng cường kiểm soát thị trường vốn, thị trường bất động sản, ổn định tâm lý đầu tư, kiểm soát chặt chẽ các hành vi thao túng thị trường. Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm