A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tàu kinh tế miền Trung chuyển mình mạnh mẽ

49 năm sau ngày giải phóng, TP Đà Nẵng có những bước chuyển mình mạnh mẽ về nhiều mặt, đã và đang trên đà đổi mới phát triển, bền vững, với mục tiêu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại của cả nước, động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Dòng sông Hàn và các quần thể kiến trúc đôi bờ sông đã từng bước thay đổi diện mạo của TP Đà Nẵng
Dòng sông Hàn và các quần thể kiến trúc đôi bờ sông đã từng bước thay đổi diện mạo của TP Đà Nẵng

Khi nói về sự phát triển của Đà Nẵng trong chặng đường kể từ năm 1997, khi tách địa giới hành chính với tỉnh Quảng Nam. Nhìn lại năm 1997, Đà Nẵng khi ấy chỉ là một đô thị nhỏ, không gian đô thị bó hẹp, dòng sông Hàn gắn với những xóm nhà chồ nhếch nhác, giao thông cách trở, cuộc sống của người dân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn...

Mở rộng không gian đô thị Đà Nẵng

Trước những khó khăn của địa phương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Từ sau khi có Nghị quyết số 33, cùng với nhiều nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Đà Nẵng đã không ngừng phát triển.

Sau đó, sông Hàn đã chuyển mình. Đà Nẵng trỗi dậy trở thành đô thị lớn của Việt Nam, là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới, nổi danh với thương hiệu “đáng sống” và “đáng đến”.

Đà Nẵng đã thực sự đổi thay từ những nhịp cầu của giao thương, của văn hóa, của gắn kết, hội nhập và thịnh vượng
Đà Nẵng đã thực sự đổi thay từ những nhịp cầu của giao thương, của văn hóa, của gắn kết, hội nhập và thịnh vượng

Từ một nền kinh tế thấp, đến nay quy mô và trình độ nền kinh tế của Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997 - 2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp 15 lần so với năm 1997.

Nổi bật trong đó, cuộc sống của người dân được nâng cao, bộ mặt không gian đô thị ngày càng thay đổi không ngừng. Ngành “công nghiệp không khói” liên tục phát triển, đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

Với chủ trương kiến thiết đô thị một cách táo bạo, quyết liệt và có tầm nhìn. Nhất là chủ trương “mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển” đã hình thành nên một TP Đà Nẵng có biển là mặt tiền thoáng đãng, có đôi bờ sông Hàn mềm như dải lụa, với những công trình kiến trúc hiện đại và độc đáo. Thành tựu này chính nhờ vào sự quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén hiện đại với tỷ lệ đô thị hoá đạt 87,45%, cao nhất cả nước.

Thành phố Đà Nẵng là một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn, thiên nhiên đã ưu đãi nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng như đèo Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước - Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà… Hơn nữa, Đà Nẵng lại ở giữa vùng có 3 di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị biển, Đà Nẵng nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế nên có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Sun World Ba Na Hills điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng, luôn làm mới mình để du khách bất ngờ sau mỗi lần trở lại
Sun World Ba Na Hills điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng, luôn làm mới mình để du khách bất ngờ sau mỗi lần trở lại
Đà Nẵng được đánh giá đã sẵn “đà” và “thế” trên đường đua du lịch khu vực và châu lục
Đà Nẵng được đánh giá đã sẵn “đà” và “thế” trên đường đua du lịch khu vực và châu lục

Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian đô thị, Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, phía Nam và Đông Nam.

Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng. Trong tương lai gần sẽ hình thành vùng đô thị Đà Nẵng gồm: Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An (Quảng Nam) đóng vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang tích cực triển khai hàng chục công trình, dự án động lực, trọng điểm như cảng Liên Chiểu; đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; mở rộng Quốc lộ 14B; mở rộng đường tránh Nam Hải Vân; đường kết nối Khu Công nghệ cao với cao tốc Bắc - Nam.

Một số dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách thành phố cũng đang được gấp rút triển khai như: Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị; trung tâm dịch vụ logistics tại huyện Hòa Vang; mở rộng nhà ga hành khách T1, sân bay quốc tế Đà Nẵng...

“Lột xác” từ những chủ trương đứng đắn

TP Đà Nẵng được doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao về việc tạo dựng một môi trường đầu tư năng động, luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số.

Đặc biệt, Đà Nẵng còn được biết đến là địa phương ban hành nhiều chính sách xã hội đột phá mang đậm tính nhân văn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân như: Miễn học phí, nâng mức bảo hiểm y tế, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho gia đình chính sách, nâng mức hỗ trợ cho cán bộ cơ sở, quan tâm giải quyết việc làm… dần định hình nét văn hóa cũng như trở thành “thương hiệu” của thành phố như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Thành phố “4 an”…

Trước đó, vào năm 2009, khi du lịch thành phố sông Hàn bắt đầu có sự chuyển mình, Đà Nẵng đón hơn 1,3 triệu lượt khách. Đến năm 2019, Đà Nẵng đón gần 8,7 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, gấp 30 lần so với năm 2009.

Những cột mốc ấn tượng phải kể đến là năm 2009, thời điểm tuyến cáp treo đầu tiên của Bà Nà Hills khánh thành; năm 2012, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, biểu tượng nghỉ dưỡng sang trọng của Việt Nam ra đời, hay năm 2018, khi cây Cầu Vàng đưa tên tuổi thành phố sông Hàn vang danh khắp thế giới.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là “thỏi nam châm” thu hút người dân và du khách
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là “thỏi nam châm” thu hút người dân và du khách

Cũng suốt khoảng thời gian chuyển mình đó, cuộc thi pháo hoa quốc tế, sau này nâng tầm thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã tạo sức bật cho du lịch Đà Nẵng sự hấp dẫn khác biệt.

Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, du lịch Đà Nẵng đón tin vui khi số khách quốc tế ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 34,7% và về đích sớm mục tiêu cả năm 2024. Dự báo năm 2024, khách quốc tế đến Đà Nẵng có thể đạt con số tương đương thời điểm trước dịch COVID-19 (3,5 triệu lượt).

Với bệ phóng từ loạt cơ chế, chính sách đặc thù vừa được thông qua, đặc biệt là việc thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm để gia tăng trải nghiệm, sẵn sàng cạnh tranh với các điểm đến khác trong nước và khu vực.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đạt được thành quả không dễ, gìn giữ và phát triển thành quả đó càng khó hơn. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát huy những thành quả đạt được, cần đúc kết kinh nghiệm trong suốt chặng đường phát triển để tiếp tục hoàn thiện những mặt thiếu sót nhằm đưa Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới.

Tận dụng nhiều lợi thế, Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển đô thị theo hướng từ mô hình đơn cực sang đa cực. Với tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọng điểm của miền Trung.

Cả quá khứ, hiện tại và trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục “làm mới” chính mình để phát triển mang tính dài hạn cả về kinh tế, văn hóa và du lịch. Trên cơ sở đó, đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách, nhà đầu tư, xứng đáng là một thành phố an toàn và đáng sống.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm