Cục trưởng Cục Thống kê nêu giải pháp ‘mở khóa’ tăng trưởng
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, bên cạnh tranh thủ cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ nội lực.
Tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, đây được đánh giá là kết quả khá tích cực, tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 vẫn là một thách thức. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính).
Tăng trưởng GDP quý I: Việt Nam dẫn đầu khu vực
- Kinh tế Việt Nam đã bước qua quý đầu tiên của năm 2025 với nhiều điểm khá tích cực, tăng trưởng GDP đạt 6,93% so với cùng kỳ năm 2024. Bà đánh giá ra sao về kết quả này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Mức tăng trưởng GDP 6,93% Việt Nam đạt được trong quý I/2025 theo tôi là một trong những kết quả khá tích cực ở trong khu vực và trên thế giới. Kết quả này cũng không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê. Ảnh: NNH |
GDP quý I/2025 tăng 6,93% là mức tăng cao nhất của quý I so với cùng kỳ trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, khu vực I tăng 3,74%, đóng góp 0,43 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực II tăng 7,42%, đóng góp 2,87 điểm %; khu vực III tăng 7,70%, đóng góp 3,83 điểm %.
Cụ thể khu vực I: Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả khá tích cực với mức tăng 3,74%, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 3,53% do cây lâu năm tăng khá, chăn nuôi ổn định; sản xuất lâm nghiệp tăng 6,67% do diện tích rừng trồng mới và gỗ khai thác tăng; khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 3,98% do nuôi trồng thủy sản khá.
Kết quả này nhờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người nông dân như: Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản từ các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU sang các thị trường mới như châu Phi, Hala…
Khu vực II: Ngành công nghiệp, xây dựng quý I đạt mức tăng trưởng khá (7,42%), giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,32%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,28%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%; cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81% và khai khoáng giảm 5,76%. Ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng giá trị tăng thêm quý I năm 2025 đạt 7,99%.
Hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo đã có tăng tốc mạnh kể từ tháng 2 (IIP tháng 2 tăng 19,7%, tháng 3 tăng 10,2%, tính chung 3 tháng tăng 9,5%); nhiều địa phương ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, hóa dược, cao su, nhựa, cơ khí và thực phẩm; nhiều ngành công nghiệp chế biến có lợi thế xuất khẩu tăng mạnh như: Dệt may, da giày; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị.
Khu vực III: Quý I năm 2025 đạt mức tăng 7,70%, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của cả nền kinh tế. Tăng trưởng của khu vực III được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa và khách quốc tế tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các khóa lễ hội đầu xuân và chương trình kích cầu du lịch của các địa phương trong quý I cũng khiến hoạt động du lịch diễn ra sôi động.
Khách quốc tế đến nước ta tăng cao (29,6%) nhờ triển khai hiệu quả các chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ.
![]() |
Đầu tư công là động lực tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh hoạ |
Vượt sóng gió, kinh tế Việt Nam vẫn còn dư địa bứt phá
- Bên cạnh những điểm tích cực, thì đâu là những thách thức và cơ hội mà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức như: Xung đột và căng thẳng địa chính trị; chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung; lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, chính sách áp thuế mới của Mỹ sẽ tác động đến tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh những thách thức, tăng trưởng GDP của Việt Nam những tháng cuối năm cũng đứng trước những cơ hội bứt phá. Trong đó, đầu tiên phải nhắc đến là: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; dự báo các quý tiếp theo sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt.
Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ: Xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.
Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hala… giảm sự phụ thuộc vào Mỹ; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Một động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm cũng được nhắc đến là: Đầu tư công được tăng cường thực hiện mạnh mẽ. Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ.
- Để đạt được mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, dự báo các quý còn lại Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 8,3%. Để đạt được mức tăng trưởng trên, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,0% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030, trên cơ sở kết quả ước tính của quý I/2025, dự báo tình hình quý II và cả năm, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP các quý năm 2025 để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% như sau: Quý I tăng 6,93%, quý II tăng 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%. Tính chung tăng trưởng 9 tháng cuối năm phải tăng trên 8,3%.
Như vậy, kết quả tăng trưởng quý I dù khá tích cực vẫn đang tạo sức ép rất lớn lên các quý tiếp theo, trong khi bối cảnh thế giới còn rất nhiều thách thức, rủi ro. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ngày càng khó khăn, thách thức hơn, đặc biệt là phải đồng thời triển khai khối lượng lớn công việc, bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.
Mặc dù dư địa tăng trưởng của Việt Nam đang được thể hiện rõ trong các yếu tố, bao gồm: Giải ngân vốn đầu tư công và thu hút, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài; chuyển đổi số và đổi mới công nghệ sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh; tăng trưởng tín dụng phấn đấu mục tiêu đạt 16%; tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước; tăng cường chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia và chiến lược quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam phát triển và thu hút khách du lịch, đặc biệt trong mùa du lịch sắp tới...
Tuy nhiên, để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, theo tôi Việt Nam vẫn cần tập trung tái cấu trúc lại nền kinh tế, rà soát nội lực, từ đó tập trung vào xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, những sản phẩm Việt Nam có thể làm chủ từ nguyên liệu đầu vào đến khoa học công nghệ cũng như thị trường đầu ra. Đây không chỉ là một chiến lược trong ngắn hạn mà cả dài hạn, để từng bước mang những sản phẩm thương hiệu Việt vươn xa ra thị trường thế giới.
Xin cảm ơn bà!
Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, quý I/2025, Việt Nam có 43 địa phương có mức tăng cao hơn mức tăng của cả nước và 20 địa phương có mức tăng thấp hơn. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao trong qúy I/2025 như: Bắc Giang tăng 13,82%; Hòa Bình tăng 12,76%; Nam Định tăng 11,86%; Đà Nẵng tăng 11,36%; Hải Phòng tăng 11,07%; Quảng Ninh tăng 10,91%; Bắc Ninh tăng 9,05%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,51%; Hà Nội tăng 7,35%... |