A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 31/5: Thực thi RCEP, xuất khẩu thêm ưu đãi

Hiệp định RCEP là FTA mới nhất đi vào thực thi từ đầu năm 2022. Hiệp định này đang được các ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng để tăng tốc xuất khẩu.

Chủ đề xuất nhập khẩu tiếp tục được các báo chí quan tâm trong ngày 31/5. Theo đó báo Đầu tư có bài “Thực thi RCEP, xuất khẩu thêm ưu đãi”.

Tác giả bài báo viết trích lời của Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc - Nông Đức Lai tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP: “RCEP mở cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực, đồng thời giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng”.

Bên cạnh đó, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung cho sản xuất trong toàn ASEAN.

100 container hạt điều xuất sang Italy "suýt mất trắng" đã về với khổ chủ là bài đăng trên báo Dân trí số ra sáng nay. Đây là tín hiệu mừng trong hoạt động nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi tại thị trường quốc tế.

Nội dung bài báo đăng: Ngày 30/5, những container hạt điều còn lại trong số 35 container hàng bị mất quyền kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa qua đã được giải phóng, đánh dấu cái kết tốt đẹp cho vụ việc liên quan đến xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt.

Luật sư Davide Gallasso - người đã bảo vệ thành công 6 công ty xuất khẩu điều Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các chứng từ gốc trên - cho biết các tòa án hình sự và dân sự Italy đã đưa ra những phán quyết có lợi cho cả 6 công ty và đây là những bước tiến rất quan trọng.

Sáng nay, Báo Quân đội nhân dân cũng cung cấp một bức tranh sáng về kinh tế tháng 5 với bài viết “Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2022: Nhiều tín hiệu khởi sắc”.

Tác giả bài báo đã dẫn thông tin từ Tổng Cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021; cao hơn cả 2 năm trước dịch là 2018 và 2019. Đáng chú ý, Bắc Giang còn tăng 43%, Bắc Ninh là 20% - đây là hai tỉnh ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng tới so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Một dấu hiệu khác cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn là trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua: 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Báo Thanh niên có bài “Bộ Công thương: 'Giá xăng Việt Nam chỉ bằng mức bình quân thế giới'”

Cụ thể, về điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương cho rằng cơ quan điều hành đã linh hoạt để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn.

Ví dụ, tại kỳ điều hành ngày 11/5, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới dùng để tính giá cơ sở biến động so với đầu năm 2022 tăng từ 50 - 67%, nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11.5 chỉ tăng từ 25 - 47% so với đầu năm.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện giá xăng RON95 là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,3 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86/170 quốc gia, nhưng thấp hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít); Lào (1,74 USD/lít); Hàn Quốc (1,53 USD/lít).

Chính phủ quyết nghị đồng ý kiến nghị của Bộ Công thương về việc rút nhiệm vụ xây dựng nghị định "Sản xuất tại Việt Nam" là nội dung bài viết “Quy định 'sản xuất tại Việt Nam' sẽ được ban hành ở cấp thông tư” đăng trên báo Tuổi trẻ.

Tác giả bài báo đăng: Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành nghị quyết số 73/NQ-CP về việc rút nhiệm vụ xây dựng nghị định "Sản xuất tại Việt Nam". Phó thủ tướng đồng ý cho Bộ Công thương xem xét, quyết định ban hành văn bản "Sản xuất tại Việt Nam" ở cấp thông tư theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về quyết định của mình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm