A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yên Bình biến tiềm năng thành lợi thế phát triển kinh tế - xã hội

Giao thoa giữa vùng trung du và miền núi Tây Bắc, huyện Yên Bình có một vị trí chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của tỉnh Yên Bái. Hiện địa phương đang tập trung mọi nguồn lực, từng bước biến các tiềm năng thành lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Mảnh đất giàu tiềm năng

Yên Bình có hơn 11 vạn dân gồm 5 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan đoàn kết sinh sống ở 22 xã và 2 thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%; trung tâm huyện lỵ cách thành phố Yên Bái 05 km về phía Đông, cách thủ đô Hà Nội 170 Km về phía Tây Bắc; huyện có diện tích đất tự nhiên trên 77 nghìn ha, địa hình chuyển tiếp từ trung du lên miền núi, cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc.

Địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với Lào Cai và Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng, có tuyến Quốc lộ 70 chạy dọc trung tâm huyện lỵ, có ga đường sắt, có cảng đường sông Văn Phú, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 32... Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, Yên Bình có rất nhiều tiềm năng phát triển, giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá trong khu vực, hình thành một hệ sinh thái kết nối thương mại sôi động. Hoạt động dịch vụ tương đối đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực như: Du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, tín dụng, bưu chính viễn thông.

 Hồ thủy điện Thác Bà - một kỳ quan của Yên Bái nằm trên địa phận huyện Yên Bình

(Ảnh: Thanh Miền)

Nơi đây sở hữu vùng hồ Thác Bà, là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ có diện tích trên 15.900 ha mặt nước, với hơn 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ nằm soi mình giữa mặt nước mênh mông cùng hệ thống hang động đẹp lung linh huyền hoặc như động Thủy Tiên gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ, hấp dẫn của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên, động Cẩu Quây nằm ẩn trong núi đá vôi, với những tượng đá tự nhiên và các nhũ đá, gắn liền với truyền thuyết mê đắm Liêu Trai… Từ những đặc thù địa hình sinh thái đã tạo nên vùng tiểu khí hậu mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông rất thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và phát triển chăn nuôi đại gia súc, thủy đặc sản, trồng rừng gỗ lớn.

Hồ Thác Bà là một kỳ quan của tỉnh Yên Bái, có bề dày hình thành và phát triển thăng trầm cùng lịch sử đất nước, được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc được công nhận là Di tích Lịch sử danh thắng cấp Quốc gia từ tháng 9/1996 và tương lai không xa sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế vào năm 2040 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng chính phủ.

Cùng với đó, Yên Bình còn có một nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ, với những thảm thực vật phong phú thích hợp cho phát triển trồng rừng, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Nơi đây cũng chứa đựng một nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với trữ lượng lớn như đá vôi hoa hóa, diện tích khoảng 300 ha, trữ lượng trên 200 triệu m3; chì, kẽm, py-rít, cao lanh, ba-rít với trữ lượng 100 nghìn tấn trở lên. Ngoài những khoáng sản kể trên, Yên Bình còn có một trữ lượng lớn đá quý khoảng 4.000 kg nằm trên diện tích 50km2 tạo thành dải ở phía Bắc và phía Tây hồ Thác Bà gồm các loại đá: Rubi, thạch anh... và không dưới 3 triệu m3 cát quặng, vàng, galen, photphorit, than nâu.... Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Yên Bình phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, công nghiệp điện năng lượng và điện thủy khí nén.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình kiểm tra công tác quy hoạch một dự án phát triển kinh tế - xã hội tại thị trấn Yên Bình. (Ảnh: TC)

Không chỉ chứa đựng trong mình một nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm mà mảnh đất này còn lưu giữ rất nhiều những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện tại trên địa bàn huyện có 21 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng. Trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Đến với mảnh đất mến khách Yên Bình, chúng ta sẽ cảm nhận được nét độc đáo đặc sắc trữ tình trong làn điệu dân ca, dân vũ mừng cơm mới của người Tày; lễ cấp sắc, lễ cầu mùa tra hạt vươn tới khát vọng sống ấm no hạnh phúc của người Dao hay những điệu múa uyển chuyển miêu tả cuộc sống của cộng đồng cấy lúa, làm nương, cảm tạ trời đất, thần linh của đồng bào Cao Lan.

Cạnh đó, địa phương còn có nhiều lễ hội lớn diễn ra trong năm, là nơi hội tụ, giao thoa mọi hình thái văn hoá dân gian, nơi lưu giữ nhiều thuần phong mỹ tục tốt đẹp của địa phương, tiêu biểu như: Lễ hội đền Mẫu Thác Bà, Lễ hội đình Khả Lĩnh, Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà, Lễ hội đình Ba Chãng (xã Phúc An); Lễ hội đình Phúc Hòa (xã Hán Đà) …

Những nét đẹp văn hóa độc đáo kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã tạo ra cho Yên Bình một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà không phải nơi nào cũng có. Giàu về tài nguyên khoáng sản, phong phú về các nét đẹp văn hóa độc đáo, Yên Bình còn có một nguồn lao động trẻ dồi dào hiện đang làm việc trong các ngành kinh tế chiếm trên 63,2% dân số. Cơ cấu dân số trẻ phân bố tương đối đồng đều ở khu vực thành thị và nông thôn, con người Yên Bình cần cù, chịu khó, thân thiện, chân thành, mến khách là những điều kiện thuận lợi để huyện Yên Bình thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Biến tiềm năng thành lợi thế

Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, biến tiềm năng thành lợi thế để phát triển, đưa Yên Bình trở thành một trong những huyện khá về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách mời gọi thu hút đầu tư, huyện Yên Bình tiếp tục có nhiều đổi mới về tư duy lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết mang tính chiến lược đi trước đón đầu. Nhờ đó mà nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển toàn diện, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 18,8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Trồng thanh long ruột đỏ tại xã Mỹ Gia (Yên Bình) là một trong số nhiều mô hình tiêu biểu hưởng ứng chủ trương đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. (Ảnh: TC)

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết: Xác định là một địa bàn có tiềm năng đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực tại chỗ, đầu tư đồng bộ hạ tầng để phục vụ chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung một số giải pháp chiến lược, chủ động tạo ra động lực mạnh mẽ để kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục chuyển biến tích cực với các lĩnh vực, ngành trọng tâm như: Nông lâm, ngư nghiệp; công nghiệp chế tạo, công nghiệp sản xuất và phân phối điện; du lịch – dịch vụ; sản xuất chế biến nông – lâm sản… Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh, tăng cường công tác quảng bá để thu hút đầu tư về địa phương.

“Với quyết tâm và khát vọng phát triển, Yên Bình sẽ tục bứt phá vươn lên, phát triển mạnh mẽ toàn diện theo hướng xanh hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; phấn đấu mục tiêu trước năm 2025, Yên Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới, có kinh tế - xã hội phát triển khá; đến năm 2030 là huyện nông thôn mới nâng cao, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu trong tỉnh Yên Bái; đến năm 2050 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu, có kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc” -  Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh./.

 
Trần Chiến

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm